Cô gái 26 tuổi dành trọn tình yêu để ‘Nuôi Em’: Đừng thương hại trẻ em vùng cao, hãy đến với các em bằng yêu thương, gần gũi
Gặt hái nhiều thành tựu khi đồng hành cùng các em nhỏ khó khăn suốt một thập kỷ, Dự án Nuôi Em vẫn ngày ngày lan tỏa yêu thương, sự tử tế.
Sau vài cuộc trao đổi ngắn, tôi có cơ hội gặp gỡ Trần Thị Thu Hương - một cô gái 26 tuổi tràn đầy nhiệt huyết, hiện đang giữ vai trò Phó Chủ nhiệm Dự án Nuôi Em. Tới ngày phỏng vấn, Thu Hương có mặt chuẩn giờ, không lệch một phút. Chị cho tôi thấy cách quản lý thời gian, quản lý công việc vô cùng chuyên nghiệp. Đó có lẽ cũng là cách chị áp dụng để xử lý khối lượng công việc khổng lồ ở tổ chức, khi đảm nhiệm “trọng trách” là Phó Chủ nhiệm của 8 Dự án Nuôi Em.
Mặc dù bận rộn với công việc của dự án, chị vẫn sẵn lòng chia sẻ với tôi nhiều chuyện, tâm sự những điều có lẽ chị chưa từng nói ở đâu…
Là 1 người còn rất trẻ, lý do gì thôi thúc chị tham gia hoạt động tình nguyện và trở thành 1 thành viên quan trọng của Dự án Nuôi Em?
Khi là sinh viên năm thứ hai đại học, mình đã quen anh Hoàng Hoa Trung (Chủ nhiệm hệ sinh thái Nuôi Em). May mắn, lúc đó mình thực hiện hoạt động cộng đồng - chương trình “Hà Nội ấm” và anh Trung đang công tác trên Trung ương Đoàn thanh niên nên đã gặp gỡ người anh này.
Sau khi quen anh Trung, mình bắt đầu hỗ trợ anh ấy. Lúc đó, anh Trung cần tìm người phụ soạn sách mà người ta ủng hộ để gửi lên cho các cháu. Sau một thời gian, chắc là anh Trung thấy mình cũng… khác người nên anh đề xuất mình đồng hành và tham gia hỗ trợ mọi người. Lúc này mình chỉ nghĩ là không muốn sau này nhìn lại cảm thấy tiếc nuối về quá khứ. Thế nên mình đã quyết định sẽ dành hai năm để đồng hành cùng với dự án. Và hiển nhiên, khi đã xác định theo dự án thì anh Trung cũng sẽ có hỗ trợ về lương cho mọi người. Mình lại đang làm một việc mà mọi người gọi là “công việc trong mơ”, nghĩa là vừa kiếm được tiền, vừa được làm những điều mà mình yêu thích. Và quan trọng hơn cả, những điều ấy lại mang đến ý nghĩa cho cộng đồng.
Thế nên mình đã quyết định tiếp tục đồng hành với mọi người, tính đến nay đã được khoảng 6 năm, trong đó có 4 năm làm việc chính thức. Mình có thể chia sẻ một cách tự hào rằng lương của mình đang cao nhất trong nhóm.
Chị đã thay đổi như thế nào từ ngày đầu đến với Nuôi Em so với bản thân ở hiện tại? Chị thấy mình được gì và mất gì?
Đầu tiên, mình hạnh phúc vì được tiếp xúc và làm việc với những người tuyệt vời. Công việc chính của mình là làm việc với các thầy cô giáo ở điểm bản và các anh chị ở phòng giáo dục các huyện. Đó vừa là cơ hội lại vừa là trở ngại đối với mình. Những người mà mình làm việc cùng khá lớn tuổi, mình còn quá non nớt khi so sánh với các anh chị đó. Vì thế bản thân sợ rằng trong quá trình giao tiếp chưa đủ khéo léo và không đạt được hiệu quả cao nhất.
May mắn thay, trong quá trình đồng hành với dự án, đến thời điểm này mình cũng được mọi người đánh giá khá cao về cách làm việc. Mình cũng học hỏi từ mọi người rất nhiều điều và hiểu hơn về các bạn học sinh.
Cá nhân mình cũng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với những anh chị nuôi các cháu. Thường những người có điều kiện để làm từ thiện là người đã ổn định kinh tế. Khi tiếp xúc với những nhẹ nhàng, tử tế như thế, mình cảm thấy bản thân quá may mắn.
Bản thân đã học hỏi cách người ta làm việc, tư duy, giao tiếp, phong thái… Từ đó, mình trở nên tự tin, cởi mở, có thể chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Khi tham gia dự án, mình cũng được làm việc với rất nhiều bạn tình nguyện viên. Lúc này, những kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, truyền thông… cũng được trau dồi. Có thể nói mọi thứ mình đang có đều nhờ học hỏi từ mọi người.
Hầu hết các bậc cha mẹ có con gái đều mong muốn con lựa chọn 1 công việc "nhàn hạ", an toàn, gia đình chị phản ứng thế nào khi con gái lựa chọn 1 công việc vì cộng đồng, không thiếu những lúc vất vả?
Mình cũng… không may mắn cho lắm vì bố mẹ không ủng hộ làm việc này. Mình là con gái mà lại là con một trong nhà, bạn bè xung quanh ai cũng cố gắng trau dồi kinh nghiệm cho công việc nên bố mẹ không bằng lòng. Hơn nữa, mình lại thường xuyên phải đi tới những khu vực rừng núi xa xôi, có thể nói là rừng thiêng nước độc.
Thế nhưng sau một khoảng thời gian mình đồng hành với dự án, bố mẹ thấy mình cũng được mọi người ghi nhận, mang về nhiều giải thưởng khác nhau. Những việc mình làm lại là điều vô cùng có ích cho xã hội nên mọi người xung quanh đã giúp mình tác động tới bố mẹ. Thật ra, mình cũng là người khá cá tính, mọi thứ nói với bố mẹ chỉ mang tính chất thông báo thôi, sau đó sẽ cố gắng để chứng minh cho bố mẹ thấy rằng quyết định của mình là đúng đắn. Tới thời điểm này, mình vẫn làm tốt công việc nên bố mẹ chuyển sang giai đoạn ủng hộ chứ không còn ngăn cản nữa.
Được biết, hiện tại chị là Phó Chủ nhiệm 8 Dự án Nuôi Em ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai, Lào Cai, Hà Giang. Chị có thể chia sẻ một chút về quá trình hình thành và phát triển của dự án tình nguyện Nuôi Em không?
Thực ra, mọi người liệt kê các dự án ra nên cảm giác rất nhiều nhưng về cơ bản thì mình làm chung 8 dự án một lúc. Trong năm học cũ, dự án đang hỗ trợ 12 tỉnh nhưng đến năm học 2024-2025, con số này có khả năng tăng lên 14-15 tỉnh. Năm nay, dự án đang khảo sát thêm một số tỉnh nữa là Thanh Hóa, Đắk Nông, Quảng Bình.
Vì nội dung giống nhau nên trong quá trình làm việc mình sẽ chia ra theo các khu vực và triển khai dần dần. Mình xây dựng một quy trình rõ ràng về kế hoạch triển khai dự án và gửi cho các anh chị ở phòng giáo dục các huyện xem. Sau đó, mình sẽ đồng hành, hỗ trợ thầy cô các trường để họ hiểu cách dự án vận hành và triển khai công việc liên quan đến thủ tục, giấy tờ. Ngày trước mình chỉ làm việc với khoảng 30 phòng giáo dục thôi nhưng bây giờ phải làm việc với 60 phòng và con số ấy vẫn tăng lên. Về cơ bản, đối với mình công việc này chỉ áp lực ở số lượng hơi nhiều mà thôi.
Đầu năm học mới là thời gian mình khá bận vì vừa phải hỗ trợ những huyện mới vừa đồng hành, hỗ trợ những huyện cũ. Vào khoảng tháng 5, mình sẽ tiến hành khảo sát. Bản thân mình không thể tới từng điểm bản để khảo sát vì một huyện có khoảng 50, 60 điểm bản. Mình có thể tới thăm vùng trung tâm, nếu như hoàn cảnh của các em ở đây vẫn còn khó khăn thì cũng có thể đánh giá qua về đời sống bà con và xác định được vùng cần hỗ trợ.
Trên fanpage Nuôi Em, dự án rất ít khi đăng hình ảnh các em quá khó khăn, gây thương xót. Mình sẽ chọn những hình ảnh mà các em đang vui vẻ, được ăn ngon. Bởi mình mong muốn mọi người sẽ đến với các em bằng sự đáng yêu, sự gần gũi chứ không phải tìm kiếm sự thương hại. Những hình ảnh các bạn nhỏ đang ăn cơm trong túi bóng, thiếu thốn đủ điều về vật chất chỉ được đăng tải một hai lần vào thời điểm tiến hành khảo sát để mọi người hiểu rằng khi không nhận được sự hỗ trợ thì các bạn nhỏ như thế nào mà thôi.
Dự án Nuôi Em đang hỗ trợ cho đối tượng trẻ em nào và có những tiêu chí nào để lựa chọn các em tham gia dự án?
Rất nhiều người vẫn hiểu nhầm đối tượng mà dự án hướng tới. Đầu tiên, các bạn dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn đều là đối tượng được hỗ trợ. Dự án sẽ không ghi cụ thể là phải có hộ nghèo hay cận nghèo vì có thể khu vực ấy trước đó là vùng đặc biệt khó khăn, sau đó được chuyển lên vùng nông thôn mới (nghĩa là đã đáp ứng được điện, đường, trường, trạm) nhưng trên thực tế điều kiện kinh tế của bà con chưa thay đổi quá nhiều, về cơ bản tỷ lệ nghèo vẫn khá cao.
Thứ hai, đối tượng mà dự án hướng tới là những bạn chưa có chế độ của Nhà nước hoặc các cá nhân, đơn vị, tổ chức, dự án khác về vấn đề ăn uống.
Sau khi Nuôi Em, các anh chị có thể tới thăm em, hoạt động này có nhận được sự tham gia của nhiều người hay không?
Nếu để nói về phần trăm anh chị nuôi đi thăm em dựa trên số lượng học sinh của thì nó chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 1%). Ví dụ, năm vừa rồi dự án có hơn 70.000 bạn học sinh tham gia nhưng số lượng anh chị đi thăm chỉ rơi vào tầm khoảng 200 người, có khoảng 500 bạn nhỏ được thăm.
Trên website có riêng một phần liên quan đến thăm em nên các anh chị chỉ cần click vào sẽ thấy lịch thăm em rõ ràng. Cách thời điểm thăm em khoảng một tháng đến một tháng rưỡi, mình mới mở link đăng ký và đăng bài, gửi tin nhắn thông báo với các anh chị nuôi để mọi người nắm được lịch trình cụ thể. Điều đặc biệt trong hoạt động thăm em là anh chị nuôi cháu nào sẽ đi thăm đúng cháu đó.
Thời gian đầu tiên khi Dự án Nuôi Em chưa được chú ý trong xã hội, làm thế nào để dự án được nhiều người biết đến hơn?
Từ năm 2014, anh Hoàng Hoa Trung cùng các anh chị quyết định đi xây trường cho các cháu trước. Thế nhưng sau khi xây trường, các anh chị vẫn thấy các cháu không đi học dù có trường đẹp. Lúc đó mọi người vô cùng thắc mắc và quyết định sống ở các địa phương một thời gian để tìm hiểu lý do tại sao. Sau đó, các anh chị mới phát hiện ra buổi trưa các bạn học sinh phải về nhà ăn cơm, thậm chí về nhà không có đồ ăn nên đã vào rừng kiếm và chiều nghỉ học luôn. Sau khi nhận ra vấn đề ấy, các anh chị mới quyết định thực hiện Dự án Nuôi Em.
Thời gian đầu, dự án cũng không được mọi người quan tâm, số lượng học sinh được hỗ trợ chỉ được khoảng 40-80 cháu. Sau 3-4 năm, dự án mới giúp đỡ được khoảng 200 cháu. Năm 2018, anh Trung gặp những người có kinh nghiệm trong mảng truyền thông, được chia sẻ cũng như hướng dẫn nên đã thay đổi cách truyền thông, có thêm slogan, nhận diện của dự án. Một trong những sản phẩm truyền thông ấn tượng nhất của dự án là ảnh thẻ. Trên ảnh thẻ có hình ảnh các cháu kèm câu slogan: “Mỗi chia sẻ của anh chị thì sẽ có một cháu được nhận nuôi”. Vì câu slogan này, mọi người nghĩ dù mình chưa có điều kiện để nuôi nhưng việc chia sẻ dự án cũng có thể là cầu nối để giúp đỡ các cháu.
Dự án Nuôi Em thực sự gây bão truyền thông kể từ khi xuất hiện trong MV Nấu ăn cho em của Đen Vâu. Chị có thể kể về câu chuyện hợp tác với Đen Vâu? Làm thế nào để dự án có được sự đồng hành của một nghệ sĩ lớn?
Thật sự là lúc đầu không ai biết anh Đen Vâu là người nuôi các cháu. Thỉnh thoảng, anh Trung mới ngồi đọc tin nhắn của mọi người trên facebook. Cách đây khoảng 4 năm rồi, anh ấy vô tình thấy có tài khoản Nguyễn Đức Cường nhắn tin trao đổi về việc nuôi các cháu, giọng điệu vô cùng lịch sự, lễ phép. Về sau này, anh Trung tò mò và hỏi tài khoản này có phải Đen Vâu không thì anh Đen thừa nhận.
Sau đó một thời gian, anh Đen trao đổi với anh Trung là muốn đi thăm các cháu. Ban đầu ai cũng chỉ muốn đi thăm các cháu bình thường thôi chứ không có kế hoạch làm điều gì đó “kinh khủng” cả. Trước chuyến đi khoảng một tháng, anh Đen lại nói với anh Trung rằng muốn tận dụng những nguồn có sẵn của bản thân như viết nhạc, làm MV… để có nguồn hỗ trợ các bạn nhỏ bền vững hơn. Nhờ đó, Nấu ăn cho em được ra đời.
Ngày hôm ấy, anh Đen mang đặc sản của quê hương mình (mực, tôm) lên núi tặng các thầy cô và nấu cho các cháu ăn. Đến buổi chiều, anh Trung cùng anh Đen mua bóng về chơi với các cháu và những hình ảnh tự nhiên, gần gũi này đều được ghi lại trọn vẹn. Thế nên những hình ảnh mà mọi người xem trên MV là thực tế, không ép buộc các cháu làm theo kịch bản.
Các dự án cộng đồng, từ thiện luôn gặp phải những ý kiến trái chiều về tính minh bạch, Nuôi Em thì sao và cách xử lý của những người leader như chị là gì?
Dự án làm việc với hàng chục nghìn anh chị nuôi em nên không thể không phát sinh vấn đề ấy. Tuy nhiên nó chủ yếu xảy ra do các anh chị nuôi chưa hiểu rõ về cách vận hành của dự án.
Mỗi năm, số lượng các cháu cần được nuôi sẽ thay đổi. Thế nhưng một số anh chị nuôi không biết rõ điều này. Dự án sẽ xét theo thực tế để xem các cháu trong năm cũ có cần được nuôi trong năm mới nữa không. Nếu các cháu đã hưởng chế độ của Nhà nước thì chi phí sẽ cao hơn chế độ của dự án rất nhiều. Nếu như dự án vẫn hỗ trợ cho những bạn ấy thì việc chồng chéo hai chế độ sẽ xảy ra. Lúc này một số bạn sẽ được hưởng nhiều chế độ và gây lãng phí, có bạn lại hưởng ít hơn. Thế nên dự án sẽ không hỗ trợ cho các cháu Nhà nước nuôi mà dành phần đó cho cháu khác.
Các anh chị nuôi lại không được thông báo trước về điều này, vậy nên một số người sẽ cảm thấy khó chịu. Trên thực tế, thời điểm bọn mình nhận danh sách các cháu cần được hỗ trợ từ thầy cô giáo trùng với thời điểm các anh chị nuôi được thông báo. Thậm chí, các anh chị nuôi còn biết thông tin về các cháu trước mình vì các thầy cô thông báo trong các hội nhóm nuôi em. Và hơn cả, các anh chị chỉ nuôi 1-2 cháu nên việc nhận thông tin cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn những người làm dự án.
Sau 6 năm đồng hành, với chị, những thành công lớn nhất của Dự án Nuôi Em là gì?
Với cá nhân mình, thành công nhất của dự án là giải quyết vấn đề cơ bản và cấp thiết: Các cháu được ăn no. Quay lại những khu vực đã từng đi khảo sát, mình thấy trước đấy các cháu không có gì để ăn, bây giờ lại được thầy cô nấu cho ăn, được ăn ngon hơn. Các thầy cô cũng chia sẻ là các cháu đi học rất đều, ngày xưa các thầy cô còn phải đi vận động nhưng sau khi dự án hỗ trợ thì gần như các bạn chủ động tới trường.
Ở ngoài kia nhiều người vẫn đang nghĩ tại sao dự án không cho người ta cái cần câu mà lại cho con cá. Nhưng với mình, tuổi của các bạn còn quá nhỏ nên không thể nào đưa cái cần câu mà chỉ có thể giải quyết nhu cầu cấp thiết là làm sao để giữ chân các bạn ấy đến trường.
Khi thực hiện được điều ấy, các cháu sẽ tiếp thu kiến thức từ các thầy cô giáo tốt hơn, từ đó chất lượng giáo dục sẽ tăng lên. Mình chỉ mong rằng trong số các bạn ấy sẽ có bạn sau này lớn lên, trưởng thành nhờ câu chuyện… nho nhỏ nào đó về các bữa ăn. Các bạn ấy có cơ hội phát triển bản thân, nếu may mắn còn có thể giúp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đó chính là một niềm tự hào rất lớn của của những người làm dự án như mình.
Ngoài ra, việc được cộng đồng quan tâm, tin tưởng gửi chi phí nuôi các cháu cũng là niềm tự hào lớn của dự án.
Trong quá trình hoạt động ở tổ chức, chị có gặp áp lực về vấn đề tài chính hay không? Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn tham gia các hoạt động tình nguyện?
Mình lên núi lên thầy cô nuôi rồi (cười) nên là cũng không có áp lực gì về tài chính quá nhiều. Bởi vì mình đã xác định là đã theo dự án thì mình cũng không có tham vọng kiếm tiền. Tiền nhiều thì ai cũng sẽ thích thôi nhưng mình không đặt nặng điều đó.
Hiển nhiên, trong thời gian tới nếu có cơ hội nào đó tới với mình mà vẫn đáp ứng được công việc hiện tại thì mình sẽ làm thêm để có thu nhập. Bởi vì thực chất, mình làm dự án sẽ có thời điểm bận, thời điểm không. Vậy nên thời gian rảnh mình nghĩ rằng cần trau dồi, phát triển bản thân nhiều hơn.
Mình bắt đầu từ những hoạt động thanh niên tình nguyện và có được như ngày hôm nay một phần là nhờ những hoạt động ấy. Nên mình vẫn hy vọng các bạn học sinh, sinh viên sẽ tham gia các hoạt động hiến máu, hoạt động tình nguyện… đang được vận hành. Đây là những hoạt động mang lại trải nghiệm tuyệt vời và phù hợp với lứa tuổi, giúp chúng ta có thể gần gũi nhau hơn.
Với những bạn trẻ đã đi làm, nếu có tham gia hoạt động tình nguyện thì mình hy vọng rằng các bạn ấy sẽ tìm ra những hoạt động bền vững hơn. Ví dụ, thay vì dùng toàn bộ số tiền ủng hộ để mua bánh kẹo cho các bạn học sinh vùng khó khăn, chúng ta nên trích ra một khoản tiền trong đó để sắm các thiết bị phục vụ học tập cho các bạn nhỏ. Mình nghĩ đây sẽ là món quà thiết thực và bền vững, khiến các bạn nhỏ nhớ lâu hơn.
Trong tương lai, tổ chức có những định hướng mới nào để tiếp tục phát triển?
Các dự án được học, được dạy đã được chúng mình triển khai. Các bạn sinh viên dân tộc thiểu số ở những khu vực xa xôi, thiếu thốn sẽ được dự án đồng hành, hỗ trợ. Các bạn ấy không chỉ được tặng laptop, tìm nhà trọ giúp mà còn được giới thiệu công việc. Điều đặc biệt là những bạn trẻ đang vận hành dự án ấy cũng là sinh viên dân tộc thiểu số, nghĩa là dự án đã tạo điều kiện để các bạn sinh viên dân tộc thiểu số giúp đỡ lẫn nhau.
Hiện tại, tổ chức đang tập trung vào việc xây dựng phòng tin học cho các cháu. Bắt đầu từ năm 2018, Tin học đã trở thành môn chính thức nhưng nhiều đơn vị trường đang không đáp ứng được cơ sở vật chất để các cháu học tập. Thế nên “Phòng tin học cho em” là dự án mà chúng mình đang quan tâm nhiều nhất, còn Dự án Nuôi Em đến thời điểm hiện tại đã ổn định rồi. Mình nghĩ đã đến giai đoạn mình cần phải tìm thêm những dự án thiết thực, gần gũi với thầy cô và các cháu.
Một số dự án mới trong thời gian tới có thể sẽ liên quan đến văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của bà con. Anh Trung cũng như người làm dự án như chúng mình đều nhận thấy rằng các bạn đang thay đổi khá nhiều về cách ăn mặc, lối sống… Mặc dù thay đổi để phát triển, để đi cùng với thời đại nhưng bản sắc về trang phục của các dân tộc là thứ dự án rất muốn bảo tồn. Vậy nên trong tương lai, rất có thể Nuôi Em sẽ có những hoạt động liên quan tới chủ đề này. Hiện tại, đây không phải thứ cần ưu tiên nên tổ chức chưa xây dựng và đẩy mạnh.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!