Việc đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công đã giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ đối mặt với tình trạng vỡ nợ.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Quốc hội Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công sau những bất đồng liên quan đến chi tiêu liên bang và viện trợ cho người nghèo.
Tổng thống Mỹ mô tả ý nghĩa của thỏa thuận này là một thỏa hiệp tốt cho nước Mỹ, tránh cho Washington rơi vào cảnh vỡ nợ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói rằng thỏa thuận là sự cắt giảm chi tiêu mang tính lịch sử, những cải cách từ việc cắt giảm này sẽ giúp mọi người kiếm được việc làm và thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. |
Giờ đây, thách thức tiếp theo đối với ông McCarthy là phải giúp thỏa thuận này thông qua những rào cản ở Hạ viện, nơi có thể bị các thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn và thành viên đảng Dân chủ tiến bộ phản đối.
Chi tiết những thỏa thuận sơ bộ này chưa được công bố nhưngcác nhà lập pháp hai đảng đã bắt đầu xác nhận các chi tiết chính, để được Quốc hội phê chuẩn trước ngày 5/6 - ngày Chính phủ Mỹ được dự báo sẽ cạn tiền chi trả các khoản nợ đến hạn.
Đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm
Theo những thông tin ban đầu, một trong những điều khoản quan trọng của thỏa thuận là nâng giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong hai năm. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính Mỹ có quyền vay không hạn chế cho đến tháng 1/2025. Sau mốc thời gian này, cơ quan này sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội nếu muốn thực hiện đợt nâng trần nợ tiếp theo.
Đây được coi là một chiến thắng cho đảng Dân chủ, đặc biệt là Tổng thống Biden. Ông sẽ được giải thoát (dù là tạm thời) khỏi những cơn đau đầu về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Chi tiêu tùy ý
Thỏa thuận đặt giới hạn các mức "chi tiêu tùy ý", tức là số tiền mà Nghị viện phân bổ mỗi năm để tài trợ cho các cơ quan và chương trình liên bang. Tuy nhiên, những hạn chế này không áp dụng cho các chương trình bắt buộc như An sinh xã hội và Medicare - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Ngoài ra, các khoản chi không liên quan đến quốc phòng sẽ được giữ nguyên trong 2 năm tới và tăng 1% vào năm 2025. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 3,3% trong năm tới, như ông Biden đã yêu cầu trong ngân sách đề xuất của mình. Con số này thấp hơn tỷ lệ lạm phát nên không đáp ứng nguyện vọng của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ có thể phải cắt giảm 8-12% các chương trình tài trợ. Điều này sẽ làm suy yếu các chương trình quan trọng và khiến Nhà Trắng mất điểm trong mắt các nghị sĩ Dân chủ.
Dự luật mới cũng kêu gọi nâng độ tuổi được hỗ trợ lương thực trong chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), lên 54 tuổi, thay vì độ tuổi hiện tại là 49, đồng thời giúp người vô gia cư và cựu chiến binh nhận trợ cấp dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phần này của thỏa thuận có khả năng nhận phải sự phản đối từ một số đảng viên Đảng Dân chủ tiến bộ, những người không muốn loại bỏ những người Mỹ có thu nhập thấp khỏi các chương trình xã hội.
Điều chỉnh hỗ trợ cho Sở Thuế vụ Mỹ
Chính quyền Tổng thống Joe Biden phải chấp nhận cắt giảm một phần trong khoản hỗ trợ 80 tỷ USD được phê duyệt vào năm 2022 để mở rộng Sở Thuế vụ (IRS).
Theo Chính phủ Mỹ, việc mở rộng và tăng cường IRS sẽ giúp nước này thu thêm 240 tỷ USD. IRS cho biết họ có kế hoạch tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Thế nhưng điều này đã vấp phải sự chỉ trích từ nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa. Họ cho rằng biện pháp này sẽ làm gia tăng thêm hàng chục nghìn kiểm toán viên thuế, nhắm mục tiêu vào những người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp hơn với tỷ lệ cao hơn.
Bên cạnh đó, việc hạn chế IRS mở rộng có thể giúp ông McCarthy nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn tại Hạ viện. Dù vậy, thỏa thuận vẫn chưa làm hài lòng các đảng viên Cộng hòa bởi tài trợ đối với IRS sau khi giảm vẫn còn ở mức cao. Đồng thời làm phật lòng những đảng viên Dân chủ cho rằng IRS cần tài trợ để cải thiện việc thu thuế và dịch vụ khách hàng.
Đã có nhiều vấn đề khác bị loại bỏ trong quá trình đàm phán. Chẳng hạn như việc Nhà Trắng đề xuất giải quyết những lỗ hổng thuế, cho rằng thỏa thuận nào muốn giảm thâm hụt thì phải tăng doanh thu liên bang cũng như cắt giảm chi tiêu. Thế nhưng đề xuất này đã bị phía Cộng hòa loại trừ.
Ngoài ra, các đảng viên Cộng hòa cũng đã đấu tranh để bãi bỏ khoản tín dụng thuế năng lượng sạch và ngăn chặn kế hoạch xóa nợ sinh viên. Chính quyền Biden phản đối mạnh mẽ những đề xuất trên.
Ông Trump có động thái đầu tiên với NATO
Tỷ phú Elon Musk hé lộ về kế hoạch cắt giảm hàng loạt nhân sự liên bang