Doanh nghiệp

Cơ hội vàng cho huyện Mê Linh 'chuyển mình', trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô

Thảo Đan 14/10/2024 - 09:45

Với vị trí chiến lược và tiềm năng đất đai lớn, Mê Linh đang trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc Hà Nội.

Huyện Mê Linh đang vươn mình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, phát huy lợi thế sẵn có để thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao. Với định hướng bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện Mê Linh đặt mục tiêu cùng với Sóc Sơn và Đông Anh trở thành thành phố phía Bắc Thủ đô.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh đã khắc phục nhiều khó khăn, nắm bắt thời cơ để đưa kinh tế của huyện phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức 9,8%, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có hơn 1.800 doanh nghiệp, 81 hợp tác xã và khoảng 10.000 hộ kinh doanh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ luôn chiếm hơn 85%, với tốc độ phát triển ngành công nghiệp bình quân đạt 10,4%/năm, quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 3,98 lần so với trước đây.

Huyện Mê Linh đã phát triển hai khu công nghiệp Quang Minh I và Quang Minh II với diện tích hơn 700ha và tỷ lệ lấp đầy đạt 95%. Hiện có 262 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động. Một số doanh nghiệp nổi bật có giá trị sản xuất từ 1.000 tỷ đến 2.300 tỷ đồng, như Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Công ty TNHH Terumo Việt Nam, và Nhà máy Bia Hà Nội Mê Linh.

>> Từ 1/11, Quảng Ninh sẽ chính thức đón thành phố thứ 5

Cơ hội vàng cho huyện Mê Linh 'chuyển mình', trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô
Huyện Mê Linh sẽ là thành phố phía Bắc của Thủ Đô

Mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của Mê Linh ngày càng tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,6%/năm. Giá trị kinh tế trên mỗi hecta đất nông nghiệp đạt trung bình 246,3 triệu đồng, tăng 88,4 triệu đồng so với giai đoạn 2016-2020. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa và chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mê Linh đã đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hạ tầng nông thôn. Đến nay, huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73 triệu đồng/năm, gấp 5,36 lần so với trước khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế là tiền đề để Mê Linh đầu tư vào văn hóa, y tế và giáo dục. Đến nay, huyện đã có 86,4% làng, 94,4% tổ dân phố và 90,4% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. Chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực, với tỷ lệ 68% trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học trên địa bàn huyện được xây dựng và nâng cấp khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ phổ cập giáo dục đạt 100% ở các cấp học, trong khi chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng cao, đứng thứ 13/30 quận, huyện của Hà Nội.

Với vị trí chiến lược và tiềm năng đất đai lớn, Mê Linh đang trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc Hà Nội. Trên địa bàn huyện có đường Vành đai 3 (Võ Văn Kiệt), nằm cách Sân bay Quốc tế Nội Bài chỉ 8km, cùng các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường Vành đai 4, cầu Thượng Cát và đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh. Huyện cũng đang được Thành phố đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đô thị và kinh tế.

Ngoài ra, tiềm năng đất đai của Mê Linh cũng rất lớn, với khoảng 7.000ha đất dành cho phát triển đô thị. Nhiều dự án quan trọng như Làng hoa Tiền Phong, Khu đô thị HUD Mê Linh Central, và Khu đô thị CEOHOMES Hana Garden đã được đầu tư và xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ sở quan trọng để huyện đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Huyện cũng đã đề ra chiến lược phát triển theo mô hình “Một trục - Hai cánh - Năm hành lang liên kết” nhằm khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Mê Linh tiếp tục đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn về thủ tục và cơ chế, đồng thời thu hút đầu tư vào các dự án đô thị, công nghiệp và dịch vụ, tạo đà cho huyện phát triển mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng năng động phía Bắc Thủ đô trong tương lai.

>> Quảng Ninh 'sánh vai' Bình Dương trở thành tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam

Một cụm công nghiệp tại Thái Bình vừa đón 3 nhà máy sản xuất hơn 1.800 tỷ đồng

Ông lớn bất động sản Taseco Land cùng đối tác làm dự án khu đô thị hơn 4.700 tỷ đồng tại Hà Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-hoi-vang-cho-huyen-me-linh-chuyen-minh-tro-thanh-thanh-pho-phia-bac-cua-thu-do-253457.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cơ hội vàng cho huyện Mê Linh 'chuyển mình', trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô
    POWERED BY ONECMS & INTECH