Cơ hội vàng cho ngành cơ khí chế tạo Việt Nam trước làn sóng chuyển dịch toàn cầu
Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức ngày càng lớn.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ, ngành cơ khí – chế tạo Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa bứt phá lịch sử. Đây là nhận định nổi bật được đưa ra tại Diễn đàn công nghiệp chiến lược M-TALKS 2025, chủ đề: “Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí – chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu”, diễn ra ngày 24/7 tại TP.HCM.
Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Vietnam, nhận định ngành cơ khí – chế tạo đang dần khẳng định vị thế trụ cột chiến lược trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vừa là nền tảng cho sản xuất, vừa là động lực tăng trưởng dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó chế biến – chế tạo dẫn đầu, thu hút trên 12 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký, cho thấy sức hút đặc biệt từ chuỗi giá trị sản xuất Việt Nam.
![]() |
Nguồn: Wichart |
Cùng với làn sóng đầu tư, các siêu dự án hạ tầng như cao tốc Bắc - Nam phía Đông (2.063 km, tổng đầu tư 310.000 tỷ đồng) hay Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang tạo cú huých mạnh mẽ cho nhu cầu thiết bị, máy móc, giải pháp gia công, tự động hóa và sản xuất chính xác.
Sân bay Long Thành, với công suất 25 triệu hành khách/năm, không chỉ là đầu mối giao thông trọng điểm mà còn gia tăng năng lực logistics, giao thương quốc gia - yếu tố cốt lõi để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức ngày càng lớn. Doanh nghiệp Việt cần không chỉ đầu tư máy móc mà còn phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch chuỗi cung ứng và nâng cấp năng lực quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh rào cản thương mại ngày càng phức tạp và dòng vốn đầu tư liên tục chuyển dịch, ai không chuyển mình sẽ bị bỏ lại phía sau.