Ngành học 'đập sắt' ra tiền: Chỉ tuyển 30 người mỗi năm, miễn học phí, gần như 100% có việc sau tốt nghiệp
Mỗi năm chỉ tuyển vỏn vẹn 30 sinh viên, miễn hoàn toàn học phí, nhưng lại đòi hỏi ở người học một thứ tài sản không dễ có: lòng kiên trì và tình yêu thực sự với nghề thủ công.
Trong thời đại công nghiệp hóa và công nghệ số, một ngành học tưởng chừng chỉ còn tồn tại trong phim cổ trang lại đang âm thầm hồi sinh mạnh mẽ tại Trung Quốc. Tại thị trấn Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang – nơi được mệnh danh là “Vương quốc kiếm” – Học viện Kỹ thuật làm kiếm Qing Ci Long Tuyền đang duy trì một ngành học đặc biệt: kỹ thuật rèn kiếm truyền thống.
Học viện Qing Ci Long Tuyền được thành lập vào năm 2010, là nơi duy nhất tại Trung Quốc đào tạo bài bản về kỹ thuật rèn kiếm. Mỗi năm, chỉ 30 học sinh, phần lớn mới chỉ 15 tuổi được tuyển chọn để theo học trong chương trình kéo dài 5 năm. Tất cả sinh viên đều được miễn học phí. Tuy nhiên, đây không phải là ngành học “dễ dãi”. Đồ án tốt nghiệp của mỗi người là phải hoàn thiện một thanh kiếm đúng chuẩn, từ khâu nung luyện thép đến chế tác vỏ, lắp ráp và hoàn thiện bề mặt.
![]() |
Học viện Kỹ thuật làm kiếm Qing Ci Long Tuyền là nơi duy nhất tại Trung Quốc đào tạo bài bản về kỹ thuật rèn kiếm. Ảnh minh họa |
>> Tin vui: Những ngành học chiến lược sẽ được nhà nước cấp học phí và sinh hoạt phí
“Nghề rèn đã vất vả, rèn kiếm còn đòi hỏi nhiều hơn thế”, anh Liu Chen Liang, một giảng viên kiêm cựu sinh viên của học viện chia sẻ. Gia đình có truyền thống làm kiếm, Liu theo học tại đây từ khi tốt nghiệp cấp hai và hiện đang giảng dạy tại chính ngôi trường mình từng theo học. Mỗi ngày, anh vẫn miệt mài bên lò luyện đỏ rực và tiếng búa đập leng keng quen thuộc.
Không ít sinh viên bỏ dở giữa chừng vì không chịu nổi cường độ công việc và áp lực thể lực. Ngay từ buổi học đầu tiên, các tân sinh viên đã phải thực hiện bài tập uốn phôi thép bằng tay trần. Theo ông Ye Zong Long, trưởng nhóm nghiên cứu và giảng dạy của trường, những cây búa sử dụng trong xưởng có thể nặng tới 4–5kg, trong khi lò luyện luôn ở nhiệt độ cao hàng trăm độ C. “Người học phải đủ sức khỏe và đam mê thực sự thì mới đi đến cùng được”, ông nói.
![]() |
Gần như 100% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này đều có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa |
Điều đặc biệt là dù ngành học khắc nghiệt, nhưng gần như 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Nhiều người lựa chọn mở xưởng sản xuất kiếm thủ công, số khác tham gia vào các công ty sản xuất đạo cụ phim ảnh, hoặc thậm chí trở thành giáo viên giảng dạy nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng mở ra con đường mới cho nghề rèn kiếm. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã tự lập cửa hàng online, thậm chí livestream bán kiếm. Nếu biết cách kết hợp giữa tay nghề truyền thống và kỹ năng tiếp thị hiện đại, thu nhập mỗi tháng có thể lên tới hàng trăm nghìn NDT. Theo ông Long, đã có cựu sinh viên của trường học lên thạc sĩ và đang nhận lương khoảng 20.000 NDT/tháng, tương đương hơn 70 triệu đồng.
Kiếm Long Tuyền không chỉ là một món vũ khí hay đạo cụ điện ảnh, mà còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Trung Quốc. Hiện nay, toàn thị trấn có hơn 3.000 đơn vị sản xuất liên quan, với hơn 20.000 lao động, xuất khẩu trung bình 400.000 thanh kiếm mỗi tháng ra toàn cầu.
>> Ngành học được miễn học phí, có tiền trợ cấp, lương cao nhất khi ra trường