Chỉ chưa đầy 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu API và L14 đã liên tục tăng mạnh khiến nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện tăng giá của các mã này lại hoàn toàn khác biệt nếu nhìn vào vấn đề nội tại của mỗi doanh nghiệp.
API tăng chóng mặt
Trên thị trường, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương - APEC Investment (HNX: API) đang tăng phi mã từ ngưỡng dưới 20.x00 đồng hồi cuối tháng 8 lên mức 91.300 đồng khi kết phiên giao dịch ngày 4/11 (tương ứng tăng 70.000 đòng thị giá chỉ sau 2 tháng).
Bước sang phiên sáng 5/11, thị giá của mã được đẩy lên mức giá trần 100.400 đồng (tương ứng tăng hơn 9.000 đồng thị giá); khớp lệnh tạm tính gần 540.000 đơn vị.
Mới đây, HĐQT trình và được thông qua điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu năm 2021 từ 580 tỷ đồng lên 946 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng; tương ứng với tăng 63% và gấp 2,4 lần.
Nhận định về định giá cổ phiếu API trong tương lai, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec cho biết: "Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt".
Diễn biến giá cổ phiếu API
Trước đó, APEC Investment vừa công bố doanh thu hợp nhất quý III đạt 239 tỷ đồng - gấp 2,7 lần cùng kỳ; lợi nhuận ròng 43,5 tỷ đồng - gấp 3 lần quý III/2020. Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là nhờ Dự án Apec Aqua Park Bắc Giang hoàn thành và đang dần bàn giao cho khách hàng, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. Doanh thu riêng dự án này đóng góp 95% tổng doanh thu công ty mẹ. Thêm vào đó, đơn vị cũng ghi nhận nguồn thu từ các sản phẩm thuộc Dự án Royal Park Huế do công ty con là CTCP APEC Land Huế làm chủ đầu tư.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu 616 tỷ đồng - tăng 84% và lợi nhuận ròng 72 tỷ đồng - tăng 68%. So với kế hoạch cũ, doanh nghiệp vượt 6% doanh thu và 16% lợi nhuận. So với kế hoạch mới, đơn vị thực hiện 65% doanh thu và 48% lợi nhuận.
Ngoài kế hoạch nêu trên, tại kỳ họp ĐHCĐ lần này, API đã thông qua phương án tăng vốn khi cả Asean Deep Value Fund và Lucerne Enterprise Ltd đã thoái toàn bộ 36% vốn tại APEC Investment. Tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 76,52 triệu đơn vị, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 364 tỷ đồng lên 1.129 tỷ đồng - tức gấp 3 lần.
L14 giảm thần tốc
Mới đây, giá cổ phiếu L14 của CTCP LICOGI 14 (HNX: L14) giảm từ mức cao nhất phiên 3/11 là 264.700 đồng/cổ phiếu xuống còn 195.200 đồng - phiên 4/11.
Không dừng lại ở đó, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sâu hôm 3/11 có sự hồi phục mạnh mẽ trở lại ở phiên 4/11 nhưng L14 vẫn giảm 9,9% xuống sát mức giá sàn là 195.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu L14 đã mất đến 70.000 đồng thị giá. Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu này ở mức giá trần hơn 3/11 dù cổ phiếu chưa về tài khoản đã mất 26,3% giá trị.
Trước đó, L14 đã có khoảng thời gian tăng "sốc". Cổ phiếu này tăng từ 82.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 8 lên 240.700 đồng/cổ phiếu ở phiên 2/11, tương ứng gấp gần 3 lần. Còn nếu tính từ cuối năm 2020, giá cổ phiếu L14 gấp hơn 4,5 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu L14 (Nguồn Tradingview)
Licogi 14 là một thành viên của Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi - Bộ Xây Dựng, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng.
Theo kết quả kinh doanh quý III, Licogi 14 đạt 27,9 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng sau thuế đạt gần 12 tỷ đồng - tăng 20%. Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần đạt 110,6 tỷ đồng - tăng 51% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng sau thuế tăng 72% lên mức 43 tỷ đồng.
Chứng khoán An Bình (ABS) mới đây đã có báo cáo đánh giá kém khả quan đối với doanh nghiệp này.
Theo ABS, rủi ro đầu tư với Licogi 14 đến từ việc năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn dẫn đến hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các dự án lớn. Với quy mô vốn – tài sản 511 tỷ đồng, dự án nổi bật gần nhất mà Licogi 14 từng đạt được là khu đô thị Minh Phương đã triển khai kể từ 2009 – 2010. Do vốn và năng lực tài chính chưa đủ lớn nên công ty phải dựa vào liên doanh với Licogi 16 để có thể trúng thầu dự án mới nhất là Nam Minh Phương với tổng mức đầu tư lớn hơn giá trị tài sản của Licogi 14 nhiều lần.
Doanh thu thuần năm 2020 giảm 54,6% cùng kỳ. Trong khi doanh thu hợp đồng xây dựng ghi nhận sự tăng trưởng (44,8%), hai mảng trọng yếu khác là kinh doanh bất động sản và bán vật liệu xây dựng đều giảm mạnh, phần lớn bởi quỹ hàng tại dự án chính khu đô thị Minh Phương đã khai thác gần hết. Biên lợi nhuận gộp tiếp tục thu hẹp trong năm 2020 xuống chỉ còn 41%; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 55,6% còn 35,5 tỷ đồng. Vì điều này, các chỉ số về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) giảm còn lần lượt 10% và 7%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình các năm trước.
Chúng khoán ABS cho rằng, thời gian từ 1 - 2 năm kế tiếp, tình trạng này có thể không khả quan hơn vì ít nguồn thu từ mảng bất đông sản với dự án Nam Minh Phương mới đang trong giai đoạn hoàn tất quy hoạch, đòi hỏi một thời gian dài mới có thể đưa vào khai thác, trong khi các dự án còn lại không nổi bật. Trước mắt Licogi 14 sẽ phải phụ thuộc vào mảng vật liệu xây dựng và xây lắp, vốn có biên lợi nhuận thấp.
Mặc dù đã liên tục phát hành tăng vốn, khoảng 40 - 60% tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ được sử dụng dưới hình thức nắm giữ ngắn hạn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số hiệu quả như ROE và ROA giảm dần, không có được sự tăng trưởng doanh thu. ABS cho rằng, Licogi đang chưa tận dụng tốt nguồn lực sẵn có để tăng cường hiệu quả sản xuất và mở rộng quy mô, dẫn tới tăng hiệu ứng pha loãng giá trị cổ phiếu.