Cổ phiếu bất động sản vừa và lớn bùng nổ, VN-Index hồi gần 20 điểm
Tính từ mức 1.213 điểm trong nửa đầu phiên chiều, VN-Index đã có cú hồi 19 điểm và vượt trở lại mốc 1.230.
15h:
Cú hồi của VN-Index nằm ngoài sức tưởng tượng của những nhà đầu tư đã đẩy hàng đi thời điểm trước 14h.
Thị trường chứng khoán đóng cửa với sắc xanh trên cả 3 sàn. VN-Index tăng 11,6 điểm để vượt trở lại mốc 1.230 đồng thời lấy lại gần như toàn bộ những điểm số đã mất trong phiên trước đó.
Chỉ số nhóm bất động sản tăng mạnh nhất thị trường với mức 2,73. Trạng thái tích cực từ VIC lan tỏa sang các cổ phiếu cùng ngành như DXG, NVL, PDR, KDH, DIG,...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngắt chuỗi 3 phiên điều chỉnh. Cuối phiên, VCB bất ngờ được kéo mạnh 2,1% và trở lại mốc 90.000 đồng; STB vẫn duy trì biên độ trên 4%; CTG, SSB, TPB, BID, TCB, VPB cũng đóng cửa trong sắc xanh trong khi ACB, MBB, SHB hồi trở lại tham chiếu.
Các cổ phiếu thép cũng giao dịch đồng thuận, sắc xanh lan tỏa từ anh cả HPG đến cá mã nhỏ hơn.
Nhóm chứng khoán phản ứng không mấy tích cực trong phiên thị trường hồi mạnh. Trong khi SSI, ORS, VIX, MBS, BSI, CTS, SHS hồi xanh, nhóm VND, VDS, BVS, VCI, HCM, APS vẫn đóng cửa giảm giá dưới 1,5%.
Một lượng tiền lớn đã được tung vào thị trường trong phiên chiều đẩy thanh khoản 3 sàn lên mức 24.500 tỷ đồng - tăng 14.500 tỷ so với phiên sáng.
Khối ngoại bán ròng 124 tỷ đồng trên toàn thị trường; các mã NVL, DXS, VHM, HCM, VPB, VND, SSI bị bán ròng từ 1 - 2,5 triệu đơn vị. Ngược lại, nhóm này mua vào DXG, KDH, KBC, STB, HPG với khối lượng từ 1 - 3 triệu cổ phiếu.
Xem thêm: Sau 2 tuần, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng có thêm 15.000 tỷ đồng
14h10:
VN-Index tăng hơn 4 điểm và hồi trở lại mốc 1.225 điểm. Có thêm những cổ phiếu VN30 chuyển xanh như VNM, FPT, VRE, CTG. Đây cũng là lực kéo chính giúp thị trường thắng thế trước áp lực bán diện rộng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Cổ phiếu VIC vẫn giao dịch ở mức giá trần với gần 22 triệu đơn vị được khớp lệnh. STB của Sacombank cũng ngược dòng thị trường với mức tăng 4,4% lên 31.900 đồng/cp.
Cổ phiếu DXG tăng mạnh 4% lên mức 19.700 đồng - cao nhất 10 tháng; HHS, DPG, FIR, KBC cũng tăng mạnh từ 3 - 4%; bộ đôi DPM - DCM tăng lần lượt 1,8% và 3,1%; nhóm thép tăng trở lại với VGS, TLH, NKG tăng quanh 3%, HPG tăng 0,9%,...
11h30:
VN-Index kết phiên giảm 1,8 điểm về 1.218,8; HNX-Index giảm 0,36% và UPCoM-Index giảm ngay sát tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán nhẹ gần 87 tỷ trên cả 3 sàn. VND bị bán 1 triệu cổ phiếu trong khi HPG được mua vào 1,5 triệu đơn vị.
VIC tăng cận trần lên mức 72.400 đồng/cp, cùng với STB (+1,6%) trở thành 2 mã gồng gánh chỉ số.
Một số điểm nhấn phiên sáng có VCA tăng cận trần sau khi được HOSE đưa ra khỏi danh sách cảnh báo; QCG tăng 4,5%, DPG tăng 3,7%; HHS - TCH tăng từ 1,2 - 1,7%; DPM - DCM tăng nhẹ; HPG - HSG tăng dưới 0,5%;...
11h:
VN-Index giảm về dưới tham chiếu, mức giảm 2 điểm khiến chỉ số mất mốc 1.220 điểm. VN-Index chỉ còn xanh nhạt với lực kéo VIC - STB và sức ép từ 25 mã giảm trong rổ.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với gần 9.000 tỷ đồng. 670 cổ phiếu đang giảm giá trên cả 3 sàn. Sắc xanh chỉ còn hiện diện ở khoảng 250 mã.
Các nhóm ngân hàng, chứng khoán vẫn đang là tác nhân giảm điểm chính. Tuy nhiên, sức ép giảm điểm của thị trường phiên sáng chủ yếu đến từ việc nhóm mid/smallcap bị chốt lời đồng loạt.
9h50:
VN-Index tăng 9 điểm ngay đầu phiên trước khi giảm biên độ về còn hơn 4 điểm, mức 1.225. Cổ phiếu VIC tiếp tục ghi điểm với mức tăng trần lên mức 72.600 đồng/cp - mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022.
Cổ phiếu VIC hiện đang góp cho chỉ số hơn 4,6 điểm tăng.
Hơn 6,6 triệu cổ phiếu đã được khớp lệnh trong đó 5,4 triệu đơn vị được giao dịch tại mức giá trần (3,4 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên ATO).
Tính từ mức 51.000 đồng/cp phiên 26/7, đến thời điểm hiện tại, mã đã tăng gần 42,4%.
Thông tin liên quan, VinFast Auto Pte. Ltd. (“VinFast”) và Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (“Black Spade”) mới đây công bố kết quả họp ĐHCĐ đặc biệt (EGM) diễn ra ngày 10/8/2023.
Kết quả bỏ phiếu chính thức sẽ được bổ sung trong Báo cáo theo Mẫu 8-K, do Black Spade nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (“SEC”).
Theo đó, giao dịch hợp nhất giữ VinFast và Black Spase dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 14/8. Sau giao dịch, VinFast sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất.
Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (“Nasdaq”) vào ngày 15/8.
Thông báo cũng nêu rõ VinFast sẽ niêm yết tại Mỹ với các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.
Xem thêm: Niêm yết tại Mỹ, VinFast sẽ lấy mã chứng khoán nào?
Bên cạnh VIC, cổ phiếu VNZ tiếp tục tăng trần, thị giá trở lại mốc 1.000.000 đồng/cp sau gần nửa năm.
Hay như cổ phiếu VCA của thép Vicasa cũng được kéo hết biên độ sau khi được HOSE đưa ra khỏi diện cảnh báo do lợi nhuận soát xét bán niên 2023 là số dương và khắc phục được tình trạng lỗ lũy kế.
Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc sẽ cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng
Các ông lớn Vingroup (VIC), Sun Group muốn 'rót' hàng chục nghìn tỷ làm khu đô thị tại Bắc Ninh