Cổ phiếu BSR có diễn biến lạ phiên chào sàn, 'cá mập' đi lệnh khủng sau hơn 8 tháng
Ngày 17/1/2025, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với giá tham chiếu 21.300 đồng.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 12/12/2024, HoSE đã phê duyệt hồ sơ đăng ký niêm yết, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Việc niêm yết trên HoSE giúp BSR tiếp cận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời mở ra cơ hội để cổ phiếu này gia nhập các rổ chỉ số lớn như VN30.
Theo đánh giá của BSC Research, BSR cần tối thiểu 6 tháng để được xem xét vào rổ VN30, với dữ liệu đánh giá đến ngày 31/12/2025. Trong kịch bản tích cực, BSR có thể lọt vào Top 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên HoSE.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BSR tăng 1,4% lên 21.600 đồng, khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, áp lực bán chủ động chiếm tới 54% tổng khối lượng giao dịch (so với mức 23% ở chiều mua), lực bán đặc biệt mạnh mẽ khi giá vượt mức 21.850 đồng. Đáng chú ý, trong phiên ATC, một lệnh giao dịch lớn với 950.600 cổ phiếu đã kéo giá về mức 21.600 đồng.
Bên cạnh đó, khối ngoại được ghi nhận bán ròng gần 1,2 triệu cổ phiếu, chấm dứt chuỗi 7 phiên mua ròng trước đó. Đây cũng là phiên bán ròng mạnh nhất tại BSR từ đầu tháng 5/2024.
Ngày 16/1/2025, trước thềm phiên giao dịch đầu tiên, BSR tổ chức sự kiện “BSR - Hành trình niêm yết và phát triển bền vững” tại TP.HCM, cung cấp thông tin và trao đổi với cổ đông, nhà đầu tư. Theo Chứng khoán Vietcap (VCI), doanh thu năm 2024 của BSR đạt khoảng 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 369 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 96% so với năm 2023. Nguyên nhân chính là đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 trong nửa đầu năm 2024 và sự sụt giảm crack spread của các sản phẩm xăng, dầu, và nhiên liệu phản lực.
Sang năm 2025, BSR đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 837 tỷ đồng, kỳ vọng tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất phục hồi. Công ty cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng, với phần lớn nguồn vốn dành cho dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư 36.431 tỷ đồng, dự kiến nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của BSR trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
>> Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ký kết hợp tác toàn diện với PV GAS trước ngày chuyển sàn
Kết quả kinh doanh năm 2024 nhóm dầu khí: POW, PLX, GAS, OIL, BSR, PVT...
Bước tiến mới của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong bài toán tìm vốn cho dự án NCMR NMLD Dung Quất