Trước biến động tích cực của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí - thép đồng loạt tăng giá đầu phiên.
Đầu phiên, VN30-Index tăng ở mức khoảng 7 điểm với 20 mã tăng giá. Dẫn đầu đà tăng là bộ đôi GAS và PLX quanh mức 2%. Theo ở sau là FPT, MSN, HDB, GVR và HPG. Ngược lại, SAB và VIC giảm nhẹ khoảng 0,5%.
Giá dầu vọt hơn 7% vào ngày thứ Năm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết 3 triệu thùng/ngày dầu và các sản phẩm của Nga có thể bị mất từ tháng tới. Diễn biến phục hồi của giá dầu đã hỗ trợ nhiều cổ phiếu dầu khí trong nhóm khai khoáng bật tăng trở lại. Cổ phiếu PVS, PVD, OIL, PVC, PVB cùng nhau tăng mạnh, mức tăng ở đầu phiên sáng hiện đang quanh mức 3 - 4%.
Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng cũng đang có diễn biến tích cực. Các cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG và POM đang tăng nhẹ dưới 1%. Giá thép trong nước trong thời gian qua được điều chỉnh tăng giá liên tục đã góp phần giúp nhóm cổ phiếu này tăng nhẹ trở lại.
Tại thời điểm 9h30, PVS tăng 3,2%, PVD tăng 2,6%, GAS tăng 1,7%, PLX cũng tăng 1,4%,... Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như FPT, MSN, HSG, BCM, TPB, VHM,... cũng đồng loạt tăng giá và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.
FPT hiện tăng 3,8% lên 95.500 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2022 với phương án trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 tỷ lệ 20% đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và được thực hiện cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại 2021.
Một số cổ phiếu lớn như SAB, VJC, BVH, VIC, hay NVL đều bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu và gây một số áp lực lên thị trường chung.
Tại thời điểm này, VN-Index hiện tăng 5,26 điểm (0,36%) lên 1.466,6 điểm; HNX-Index tăng 2,76 điểm (0,62%) lên 448,92 điểm; UpCOM-Index giảm 0,18 điểm (-0,16%) xuống 115,76 điểm.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động giằng co phân hoá trong phiên 17/3; nhóm cổ phiếu hàng hoá cơ bản có phần bị bán mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.912 tỷ đồng - tăng 17,3%. Khối ngoại mua ròng trở lại 134 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng 45-50% danh mục.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, có khả năng VN-Index tiếp tục bị cản và lùi bước để kiểm tra lại vùng thấp 1.440 – 1.450 điểm trong thời gian tới.
Một cổ phiếu VN30 âm thầm vượt đỉnh năm trong tuần VN-Index giảm điểm
Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN