Nhóm điện hiện đang duy trì thanh khoản ở mức đáy 3 năm. Kỳ vọng cho nhóm này đến từ nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè sắp tới và được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích FiinGroup, ba nhóm dẫn sóng thị trường thời gian qua là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu dòng tiền đạt đỉnh và đi xuống. Trong khi đó, nhóm điện đang duy trì tỷ trọng giá trị khớp lệnh ở mức thấp, gần như là vùng đáy 3 năm.
Trên thị trường, cổ phiếu ngành điện dường như đang bị “quên lãng”. Với tính chất phòng thủ và tỷ suất sinh lợi ổn định, ngành này ít hấp dẫn hơn so với những ngành khác trong khi thị trường đang tăng. Tuy nhiên, thị trường đang có những dấu hiệu cho thấy cổ phiếu ngành điện có thể sẽ được chú ý trở lại trong quý II này.
Ngành điện được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước |
Thông tin giúp nhóm này thu hút sự chú ý của giới đầu tư là ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Mục tiêu của kế hoạch được nhấn mạnh là chuyển dịch từ các nguồn điện truyền thống như điện than sang các nguồn điện sạch hơn như điện khí LNG, điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…
Trước đó ngày 26/3, Phó Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo cơ chế mới, chu kỳ điều chỉnh giá là 3 tháng và EVN có thẩm quyền điều chỉnh nếu mức giá tính toán tăng dưới 5% tùy thuộc vào chi phí khâu phát điện.
Nhìn về dài hạn, cơ chế mới giúp EVN chủ động hơn trong việc điều chỉnh tăng/giảm giá điện, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nguồn điện giá cao như điện khí, qua đó hỗ trợ đáng kể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, cơ chế mới sẽ ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua - bán điện chính. Việc tăng giá bán điện sẽ giúp EVN có khả năng thanh toán cho các nhà máy phát điện.
Những doanh nghiệp có tỷ lệ phải thu/tổng tài sản lớn như các doanh nghiệp nhiệt điện POW, PGV, NT2, QTP sẽ hưởng lợi từ việc EVN tăng giá điện.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp điện có dự án điện khí LNG như POW, PGV hay những doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu REE, GEX, HDG, BCG có thể đưởng hưởng lợi từ chính sách mới.
Mặt khác, nhóm xây lắp điện như PC1, TV2 cũng sẽ được hưởng lợi đến từ nhu cầu đầu tư hạ tầng điện dự kiến tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành điện cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô và căng thẳng nhất trong năm về cung cấp điện toàn hệ thống. Trong tháng 3 vừa qua, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 25,7 tỷ kWh, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 69,4 tỷ kWh - tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
EVN dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân trong tháng 4 sẽ ở mức 865,7 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Như vậy, cùng với giai đoạn cao điểm sản xuất, việc kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và cơ chế điều chỉnh giá điện mới được áp dụng là những diễn biến tích cực tiếp theo của ngành điện sau thời gian im ắng.
Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ nhóm cổ phiếu điện do quy luật lưu thông tiền tệ trên thị trường chứng khoán và những diễn biến tích cực của ngành. Thông thường, dòng tiền có xu hướng điều chỉnh sau thời gian chạm đỉnh, tạo đáy về trung hạn hoặc dài hạn từ 3 - 6 tháng.
Lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền của 8 doanh nghiệp, cao nhất 25%
4 ngân hàng đầu tiên họp ĐHCĐ 2024: Nhiều con số mang đến kỳ vọng lớn, đặc biệt là cổ tức