Với việc tháng 10 chỉ còn 1 phiên giao dịch, dự tính phiên ngày 31/10 tới, cổ phiếu DIG sẽ phải tăng khoảng 58% để đạt được mức giá như kỳ vọng của ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIC Corp (Mã DIG). Điều này hoàn toàn là không thể!
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 28/10/2022, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (Mã DIG - HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với mức lỗ ròng sau thuế sau 22 quý có lãi. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của công ty cũng chỉ ở mức193 tỷ đồng - tương đương 10,16% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra tại ĐHCĐ thường niên hồi tháng 4. Chi tiết
Đáng chú ý, tại ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 12/10 vừa qua, Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn đã khẳng định về việc sẽ hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2022 là 1.900 tỷ đồng bất chấp tình hình đang gặp nhiều khó khăn.
"Thuyền trưởng" DIC Corp cũng sẽ trả cổ tức năm này với mức tỷ lệ trên dưới 25%.
Tương tự, Tổng Giám đốc DIC Corp ông Hoàng Văn Tăng cũng cam kết: "Mấy tháng còn lại năm 2022 công ty sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu ĐHCĐ thông qua. Chúng tôi dự kiến chuyển nhượng một loạt tài sản kinh doanh không hiệu quả (khoản thu về tương đối lớn), hy vọng trong mấy tháng còn lại trong quý 4 sẽ cố đạt kế hoạch đề ra".
Vấn đề cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến từ chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Tuấn: "TÔI KHÁ BẤT NGỜ KHI GIÁ CỔ PHIẾU DIG GIẢM. Trước mắt, con gái tôi Nguyễn Thị Thanh Huyền đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu. Tôi khẳng định sau ngày 30/10 (thực tế tháng 10 có 31 ngày - PV), nếu giá cổ phiếu DIG vẫn dưới 30.000 đồng, bản thân tôi sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu nữa”.
Kể từ thời điểm vị Chủ tịch "hứa" với nhà đầu tư tại phiên họp hôm 12/10 đến nay, cổ phiếu DIG đã trải qua tổng cộng 13 phiên giao dịch với "5 tháng - 8 thua"; mã có 1 phiên tăng trần, và 4 phiên tăng nhẹ trong khi có tới 7 phiên lao mạnh (bao gồm 4 phiên giảm sàn).
Kết phiên ngày 28/10/2022, thị giá cổ phiếu DIG giảm 4% về mức 19.000 đồng - mức thấp nhất kể từ phiên 22/7/2021 - thời điểm cổ phiếu này bắt đầu tăng phi mã. Tại mức giá này, cổ phiếu DIG cũng ghi nhận giảm 81% giá trị so với mức đỉnh 98.200 đồng (giá sau điều chỉnh) hồi đầu năm.
Chỉ tính riêng 13 phiên giao dịch hậu ĐHCĐ bất thường, cổ phiếu DIG đã không diễn biến đúng như kỳ vọng của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn; mã "tăng ngược" và mất tới 23% thị giá.
Với việc tháng 10 chỉ còn 1 phiên giao dịch, dự tính phiên giao dịch ngày 31/10 tới đây cổ phiếu DIG sẽ phải tăng khoảng 58% để đạt được mức giá như kỳ vọng của vị "thuyền trưởng"; điều này là hoàn toàn không thể bởi biên độ tăng giá của các cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE được quy định chỉ tôi đa 7%.
Như vậy, ông Tuấn nhiều khả năng sẽ phải thực hiện cam kết với Đại hội và nhà đầu tư trước đó. Điều được nhà đầu tư quan tâm có chăng là "khi nào vị lãnh đạo thông báo mua vào?".
Thực tế việc lãnh đạo thông báo mua vào lượng lớn cổ phiếu luôn tạo ra động lực tăng giá tích cực cho bất kỳ cổ phiếu nào (ngoại trừ các trưởng hợp thâu tóm ngược để cô đặc cổ phiếu). Tuy nhiên với việc có gần 610 triệu cổ phiếu DIG đang lưu hành trên thị trường, việc ông Tuấn có thể đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu tới đây có chăng sẽ chỉ giúp nhà đầu tư có chút niềm vui ngắn hạn.
Sau đợt chia cổ tức hồi nửa cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch DIC Corp hiện đang sở hữu hơn 61,5 triệu cổ phiếu DIG (tỷ lệ 10,09%), ông Nguyễn Hùng Cường - con trai ông Tuấn - nắm 62,7% (tỷ lệ 10,28%), bà Lê Thị Hà Thành - vợ ông Tuấn - sở hữu hơn 51,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,4%), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - con gái ông Tuấn - đang sở hữu 22 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,61%) và vừa đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu DIG.
Quan sát từ đầu năm 2022 đến nay, người nhà Chủ tịch HĐQT gồm bà Lê Thị Hà Thanh, bà Hà Thị Thanh Châu (em dâu Chủ tịch), ông Nguyễn Hùng Cường đã liên tục có động thái mua vào cổ phiếu song tất cả các giao dịch này đều không mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký với lý do không thu xếp kịp tài chính hay diễn biến giá không phù hợp,…
Nổi bật nhất trong số này là giao dịch ông Nguyễn Hùng Cường khi chỉ mua vỏn vẹn 145.000 cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch (từ 18/1/2022 – 18/2/2022). Ông Cường cũng thông báo mua bất thành cả 10 triệu cổ phiếu DIG đăng ký (từ 30/6 – 29/7/2022).
Ngược với động thái mua vào của người nhà Chủ tịch, cổ đơn lớn CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa bán ra 3,36 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 16,01% về còn 15,46% ngay trước phiên diễn ra ĐHCĐ bất thường của DIG Corp. Tính theo giá đóng cửa ngày 11/10 là 24.650 đồng/cổ phiếu, ước tính Thiên Tân đã thu về số tiền lên tới 82,88 tỷ đồng.
Được biết, ngày 7/10/2021, DIC Corp đã phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng trong đó cổ phiếu chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm (ngày 7/10/2022, toàn bộ 75 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ được tự do chuyển nhượng).
Trong danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ bao gồm 6 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong đó, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được mua tới 38 triệu cổ phiếu.
Như vậy, nếu tính theo giá mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ cách đây 1 năm và giá phiên ngày 11/10/2022, ước tính CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đã lãi tối thiểu 27,76 tỷ đồng (vốn đầu tư 55,1 tỷ đồng), tương ứng hiệu suất đầu tư sau hơn 1 năm là 50,4%.
Ông chủ của DIC Corp là ai?
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp sinh năm 1957 tại Thanh Hóa từng công tác tại Bộ Xây dựng. Đến năm 1990, khi Nhà nghỉ của Bộ Xây dựng được xây dựng tại TP. Vũng Tàu, ông được điều về đây làm Giám đốc.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn phát biểu mở màn ĐHCĐ bất thường năm 2022 (Ảnh: Huy Ngọc)
Ban đầu, nhà nghỉ này chỉ có 8 nhân viên. Từ đây, ông Tuấn đã chèo lái và đưa đơn vị từ chỗ hoạt động kinh doanh chỉ gói gọn trong lĩnh vực điều dưỡng, chủ yếu phục vụ công nhân viên ngành, chuyển dần sang hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Năm 1993, nhà nghỉ này chuyển thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch (TIIC) với tổng tài sản 8,2 tỷ đồng. 8 năm sau, TIIC được chuyển đổi thành Công ty Đầu tư Phát triển – Xây dựng (DIC).
Năm 2008, DIC được cổ phần hóa thành Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đồng thời tăng vốn điều lệ lên 370 tỷ đồng và trên 30 công ty thành viên.
Tháng 8/2009, công ty chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán, với mã giao dịch là DIG. Dưới sự dẫn dắt của ông Tuấn, năm 2017, DIC Corp chính thức chuyển sang tập đoàn kinh tế tư nhân khi thoái 49,65% vốn nhà nước (tương ứng với 118,260 triệu cổ phần).
Dự án bất động sản đầu tiên của DIC chính là trung tâm Chí Linh (diện tích 100 ha, vốn đầu tư 832 tỉ đồng). Tiếp đó là tổ hợp khách sạn 5 sao và trung tâm hội nghị - triển lãm Vũng Tàu (tổng diện tích 29.480 m2, tổng mức đầu tư 30,7 triệu USD).
Hiện DIC đã phủ sóng nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang… với rất nhiều dự án lên lớn gần 10.000 tỷ.
Tại Đại hội ngày 21/10 vừa qua, liên quan đến kế hoạch huy động 1.500 tỷ đồng từ chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ông Tuấn cũng cho biết thêm, DIC Corp đang nắm trong tay khoảng 22 dự án bất động sản và dự kiến mở thêm kênh đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng như một số lĩnh vực mới mang tính lâu dài.
“Do đó, vốn điều lệ tối thiểu 2 năm tới của DIC Corp phải đạt 10.000 tỷ đồng. Chúng ta muốn làm lớn thì phải có sức lớn”, Chủ tịch DIC Corp nhấn mạnh.
DIC Corp (DIG) tái lỗ: Nhìn lại lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn
'Khơi thông' pháp lý phân khu C4, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, các công ty bất động sản nào hưởng lợi?
DIC Corp (DIG) chấm dứt 2 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Him Lam