VN-Index liên tục rung lắc quanh ngưỡng 1.070 điểm sau các nhịp xả bán của nhà đầu tư sau giờ nghỉ trưa trước khi bị bán mạnh về cuối phiên giao dịch.
15h00: Gánh nặng cổ phiếu VN30
Sau 2 phiên tăng liên tiếp kéo thị giá hướng vùng 1.090 - 1.100 điểm, thị trường chứng khoán bất ngờ bị bán mạnh trở lại trong phiên 6/12/2022 khi VN-Index giảm tới 45 điểm và rơi về mức 1.048,69 điểm. HNX-Index cũng giảm tới 7,16 điểm và lùi sâu dưới mốc 220; UPCoM-Index giảm nhẹ nhất trong số 3 chỉ số sàn giao dịch song cũng mất hơn 3%.
Toàn thị trường có gần 730 mã giảm giá (bao gồm 147 mã giảm sàn) trong khi chỉ có 224 mã tăng điểm.
Nhóm VN30 có tới 9 mã giảm sàn gồm HPG, NVL, STB, VRE, PDR, VPB, MBB, VIB, GVR và loạt mã cận sàn như MWG, TCB, TPB. Theo đó, chỉ số VN30 -Index thậm chí giảm tới gần 57 điểm.
Áp lực bán mạnh diễn ra ở hàng loạt nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, thép, dầu khí,... khiến thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục tăng mạnh lên mức 27.000 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng với gánh nặng từ VCB, BID, VPB, CTG, TCB, MBB trở thành áp lực giảm chính của thị trường chung. Sự tiêu cực này có lẽ đến từ thông tin Fed có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và có thể tăng vượt mức dự kiến được phát đi trong ít ngày nay.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nông - lâm - ngư, thủy sản hay vận tải bất ngờ tăng mạnh với những đại diện như GMD, HAH, VOS, VHC, ACL, IDI, ANV,... nhiều mã thậm chí được kéo lên mức giá trần.
14h06: Nhiều cổ phiếu VN30 đáp sàn
VN-Index nhanh chóng rơi về mức 1.060 điểm (giảm 33 điểm) chỉ ít phút sau 14h. Bên cạnh NVL, các mã như HPG, STB, PDR, GVR bị kéo về mức giá sàn với thanh khoản liên tục tăng vọt.
14h00: Đà bán tăng mạnh sau giừ nghỉ
VN-Index liên tục rung lắc quanh ngưỡng 1.070 điểm sau các nhịp xả bán của nhà đầu tư sau giờ nghỉ trưa.
Lúc 13h56, chỉ số đang giảm hơn 26 điểm về còn 1.067 điểm. Không còn mã VN30 nào tăng giá ngoại trừ HDB nhấp nhát xanh đỏ quanh tham chiếu.
Cổ phiếu HPG sau chuỗi hồi phục mạnh bắt đầu bị chốt lời trở lại và đang bị bán với mức giá cận sàn. Các mã như STB, PDR, VRE, TCB cũng giảm trên 5 điểm.
Với riêng HPG, thông tin đáng chú ý là tháng 11/2022 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 384.000 tấn thép thô - giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn - giảm 30% YoY. Đây là sản lượng bán hàng thấp nhất mà Hòa Phát ghi nhận được kể từ đầu năm 2021.
Đáng nói, trong khi tiêu thụ thép xây dựng trong nước phục hồi nhẹ so với tháng trước thì thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
11h30: VN-Index giảm 16 điểm
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 16,08 điểm (1,47%) xuống 1.077,59 điểm, HNX-Index tăng 0,38 điểm (0,17%) lên 220,34 điểm, UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (0,85%) về 72,62 điểm.
Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 12.420 tỷ đồng trong đó thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt 10.574 tỷ đồng - tăng 22% so với phiên trước.
Dòng thủy sản trở thành điểm sáng khi loạt cổ phiều tăng hết biên độ như ANV, FMC, ABT, ACL, VHC, IDI, CMX; MPC tăng 9,8% lên 19.100 đồng. Tương tự, cổ phiếu vận tải cũng giao dịch khởi sắc với DNL, HHG, MAC kết phiên sáng trong sắc tím trần, VOS, VIP, GMD, TCL,... tăng 0,6 - 6,5%.
Chiều ngược lại thì lực bán tăng nhanh tại các nhóm ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, dầu khí, thép,...
Theo quan sát, nhóm vốn hóa lớn bị bán mạnh khi dừng phiên sáng chỉ có HDB xanh nhẹ và SAB đứng giá tham chiếu, các cổ phiếu còn lại đồng loạt giảm điểm trong đó BID, VHM, VCB, GAS, TCB, VIC, CTG, VRE là các lực cản mạnh nhất trên thị trường.
10h29: Lực bán gia tăng
Thị trường liên tục biến động mạnh trong vùng giá đỏ trước sự giằng co của phe bán và phe bắt đáy. VN-Index giảm hơn 17 điểm về sát mức 1.075 điểm với sắc đỏ áp đảo (350 mã).
Diễn biến các chỉ số ngành lúc 10h25 (Nguồn Vietstock)
Cổ phiếu NVL sau ít phút "cầm cự" trong vùng giá đỏ đã chuyển sang sắc xanh sàn, thị giá bị kéo về mức 20.600 đồng với khớp lệnh tạm tính gần 36,5 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu nhóm Big4 ngân hàng cũng bị bán mạnh hơn trong đó BID giảm 3,6%, CTG giảm 2,4%, VCB giảm 1,2%. Nhóm Vn30 còn duy nhất HDB tăng nhẹ ngay sát tham chiếu.
Lực bán tiếp tục tăng mạnh sau đó với việc VN-Index giảm hơn 23 điểm về mốc 1.070.
Đầu phiên: Cổ phiếu trụ bị chốt lời
Sau phiên ATO, VN-Index nhanh chóng chuyển đỏ trước áp lực bán ở hàng chục mã trụ VN30 trong đó có NVL (-4,7%), VRE (-3,3%), GVR (-2,6%), KDH (-2,6%),... Phe tăng chỉ còn VJC, VIC và HDB với mức tăng yếu ớt.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, IBC có phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp kéo thị giá về 7.600 đồng; L14 tăng trần phiên thứ 15; CEO và DIG cũng lần lượt được kéo lên ngưỡng cận trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa rõ nét với CTG, BID, TCB, TPB, VIB, VCB đều giảm trong khi LPB dẫn đầu phe tăng với mức gần 5%.
VN-Index giảm hơn 9 điểm và lùi về mức 1.084,x điểm.
Trước đó kết phiên 5/12, VN-Index tăng 13,66 điểm (1,26%) lên 1.093,67 điểm, HNX-Index tăng 4 điểm (1,85%) đạt 219,96 điểm, UPCoM-Index tăng 1,03 điểm (1,43%) lên 73,24 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường phiên này đạt hơn 23.000 tỷ trong đó trên HOSE đạt gần 21.000 tỷ đồng
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, VN-Index có thể hướng về vùng kháng cự 1.110 - 1.115 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp đồng thời thị trường có dấu hiệu tăng vào vùng quá mua cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong vài phiên tới, áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại, nhưng tâm lý ngắn hạn chưa phải ở giai đoạn hưng phấn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạn chế mua đuổi ở giai đoạn hiện tại và chờ mua ở nhịp điều chỉnh sâu hơn.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng chỉ số sẽ có thể trở về chinh phục vùng kháng cự 1.150 điểm.