Áp lực bán xuất hiện ngay đầu phiên sáng đã khiến loạt cổ phiếu trụ giảm giá trong đó nhóm ngân hàng gây áp lực rất lớn lên các chỉ số.
Cả 4 đại gia ngân hàng có gốc Nhà nước tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ ngay đầu phiên sáng 20/1/2022. Trên các sàn khác, sắc đỏ chiếm cũng xâm chiếm nhóm bank ngoại trừ ở một số mã như SHB, TPB, OCB…
Nhóm bất động sản nhà ở đang có diễn biến phân hóa, tính trên sàn HOSE. Nếu mở rộng 3 sàn thì đỏ nhiều hơn xanh. Một số cổ phiếu đang tiếp tục hồi, nối tiếp chiều qua như AGG, CRE, NDN, NLG, DXG, NTL, PDR… Tuy nhiên, bộ ba cổ phiếu nhà Vin lại đang giảm nhẹ, 1 số mã khác tiếp tục giảm sâu như CEO, THD, QCG, DIG, LDG…
Nhóm bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng khá với SNZ tăng ấn tượng nhất gần 10%. Một số mã như ITA, KBC, BCM, PHR hay TID ghi nhận tăng nhẹ.
Nhóm chứng khoán tiếp tục sắc xanh trên diện rộng ngay từ khi mở cửa, dù mức tăng không lớn như chiều qua. Sau ATO chỉ có vài mã giảm giá như MBS, TVB và bất ngờ là HCM.
Chỉ số HNX-Index tiếp tục giảm sâu hơn nhiều so với VN-Index, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các Large Cap sàn này rớt sàn, là CEO và THD. Ở những mã Large Cap còn lại, đa số cũng giảm giá, nhng mức giảm không có tệ như hai mã kia mà chỉ loanh quanh trên dưới -1%.
Chỉ số sàn UpCOM ngược lại đang tăng nhẹ, lần này rõ thấy nhờ sự hỗ trợ của khá nhiều largecap như ACV, MSR, MCH, TVN, SNZ, QNS, VGT,… Tuy nhiên 2 đại gia dầu khí ở sàn này là BSR và OIL đang giảm loanh quanh gần 3%.
Tại thời điểm 9h50, VCB giảm 3,2%, STB giảm 2,6%, BID giảm 2,4%, CTG giảm 1,9%, VIB giảm 1,4%...
Bên cạnh đó, các mã như THD, BCM, VRE,... cũng chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực lớn lên các chỉ số. THD vẫn giảm sàn xuống 169.200 đồng/cổ phiếu và là nhân tố lớn nhất khiến HNX-Index đi theo chiều hướng tiêu cực.
Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ nhận được lực cầu tốt và hấp thụ hết lượng dư bán giá sàn hàng triệu đến chục triệu đơn vị. DIG và CEO hiện thoát khỏi mức giá sàn và còn giảm lần lượt 3,7% và 1%. CII và LDG sau khoảng thời gian ngắn hút hết lượng dư bán giá sàn thì hiện tại bị bán ngược trở lại và tiếp tục giảm sàn.
Tại thời điểm này, VN-Index giảm 9,73 điểm (-0,67%) xuống 1.433,06 điểm; HNX-Index giảm 7,37 điểm (-1,8%) xuống 401,94 điểm; UpCOM-Index tăng 0,31 điểm (0,29%) lên 108,15 điểm.
Trước đó, thị trường biến động có phần giằng co trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn trong phiên 19/1. Tâm điểm của thị trường tập trung vào hai nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.423 tỷ đồng - giảm 25% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 23% và đạt 16.200 tỷ đồng - thấp nhất kể từ 30/9/2021.
Khối ngoại bán ròng 4.800 tỷ đồng trong phiên 19/1 do đột biến từ thỏa thuận của MSN.
Chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục trạng thái giằng co tích lũy trong phiên giao dịch tới, nhất là khi mai là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 1/2022.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.440 – 1.450 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp.