Cổ phiếu QCG 'nằm sàn' 5 phiên liên tiếp, tài sản bà Như Loan bốc hơi 300 tỷ đồng kể từ ngày bị bắt
Tính từ thời điểm tháng 4 tới nay, giá cổ phiếu QCG bốc hơi 67%, đồng nghĩa tài sản bà Lan "hụt" hơn 1.000 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (25/7), cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) đóng cửa ở mức 6.800 đồng/cổ phiếu, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp.
Khối lượng cổ phiếu “chất” bán giá sàn còn dư hơn 6,1 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 51 nghìn đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu QCG trong vòng 1 năm trở lại đây |
Diễn biến kém tích cực này xảy ra sau khi bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai bị bắt với cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, TP. HCM. Chiếu theo mức giá hiện tại, với gần 102 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tài sản bà Lan đã bốc hơi khoảng 300 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần.
Nhìn xa hơn, nếu tính từ thời điểm tháng 4 tới nay, giá cổ phiếu QCG "bốc hơi" 67%, đồng nghĩa tài sản bà Lan "hụt" hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi bà Loan bị bắt, ông Nguyễn Quốc Cường - con trai bà Loan - đã được bầu làm người đại diện pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai kể từ ngày 22/7.
Được biết, bà Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, có liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Mã CK: GVR).
Dự án The Tresor tại lô đất 39-39B Bến Vân Đồn |
Cụ thể, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tháng 12/2009, hai doanh nghiệp nói trên góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín. Đến tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.
Sau khi được giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Phú Việt Tín không những không triển khai dự án mà cơ cấu các bên góp vốn liên tục thay đổi. Đến năm 2014 có sự xuất hiện của CTCP Quốc Cường Gia Lai của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan. Trong vụ này, Quốc Cường Gia Lai đã chi 465 tỷ đồng để mua vốn của Phú Việt Tín, sau đó bán cho hai pháp nhân và một cá nhân, thu lợi nhuận 382 tỷ đồng.
>>Bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, Cường Đô la có vai trò gì ở Quốc Cường Gia Lai?