Trước đó, CEO đã có chuỗi 12 phiên liên tiếp tăng điểm từ 4/11 đến 19/11 (tại vùng sát mệnh giá) trong đó có tới 9 phiên tăng hết biên độ.
Trong tuần giao dịch từ 22 - 26/11/2021, trên sàn HNX, hiện tượng CEO tăng mạnh tiếp tục tiếp diễn. Tưởng chừng phiên đầu tuần bị bán mạnh và giảm 6,7% sẽ khiến cổ phiếu này chững lại nhưng đó chỉ là nhịp nghỉ khi cả 4 phiên sau đó mã đều tăng mạnh với 3 phiên gần nhất đều đóng cửa ở mức giá trần; giá cổ phiếu CEO tiếp tục thiết lập các mức đỉnh lịch sử mới 42.500 đồng. Tính chung trong tuần này, CEO đã tăng gần 35% thị giá.
Như vậy, chỉ trong tháng 11/2021, CEO đã có chuỗi 12 phiên liên tiếp tăng điểm từ 4/11 đến 19/11 (tại vùng sát mệnh giá) trong đó có tới 9 phiên tăng hết biên độ.
Kinh doanh bết bát, cổ phiếu bơi ngược nước
Cần nhấn mạnh, sóng bất động sản thực tế đã bắt đầu từ đầu năm khi loạt mã trong nhóm tăng miệt mài nhưng CEO không góp mặt. Đáng nói, trong quý III/2021 tình hình kinh doanh của CEO là không như kỳ vọng của cổ đông khi doanh nghiệp thậm chí thua lỗ nặng.
Về giao dịch, vào tháng 4/2021 PYN Elite Fund đã bán 2 triệu cổ phiếu CEO qua đó giảm lượng nắm giữ còn 37,6 triệu đơn vị - chiếm 15,38% vốn. Sau giao dịch, quỹ ngoại vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại CEO Group, xếp sau Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình (tỷ lệ sở hữu 27,4% vốn).
Chi tiết, trong kỳ doanh thu CEO giảm phân nửa chỉ còn 124 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn CEO lãi gộp 14 tỷ đồng - giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/8 con số cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 7 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng - giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, CEO lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng - tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. CEO cho biết năm nay tập trung triển khai và kinh doanh các Dự án trọng điểm như Dự án River Silk City Hà Nam, CEO Mê Linh (CEOHomes Hana Garden), Sonasea Vân Đồn Harbor City...
Dù vậy, với tình hình 9 tháng lỗ nặng, khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO là thử thách lớn. Quý III/2021 cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ.
Kinh doanh trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ đồng. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản CEO vào mức 7.012 tỷ đồng - giảm so với đầu kỳ trong đó tiền mặt của công ty giảm đáng kể.
Cổ đông đặt nghi vấn chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau
Trong khi đó, chia sẻ với cổ đông tại ĐHCĐ diễn ra vào cuối tháng 6/2021, ban lãnh đạo CEO cho thấy kỳ vọng lớn vào nguồn thu, đặc biệt với dự án trọng điểm tại Mê Linh và dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn.
Với dự án tại Mê Linh, CEO cho biết, năm 2020 đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án CEO Homes Hana Garden tại Mê Linh, Hà Nội. Dự án đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến trong quý IV toàn bộ dự án này sẽ đưa vào kinh doanh.
Còn tại dự án Sonasea Vân Đồn, theo CEO vào ngày 5/7/2020, lễ kick-off bán hàng phân khu Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City diễn ra tại Bãi Dài Vân Đồn. Tháng 12/2020, các căn Singapore Shoptel đầu tiên đã chính thức được bàn giao đến chủ sở hữu.
Không những vậy, với Dự án River Silk City, tháng 12/2020, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu phía Bắc của dự án (phân kỳ 4, 5, 6). Trong năm 2021, CEO Group sẽ mở bán tiếp các giai đoạn tiếp theo.
Trước tình hình kinh doanh thua lỗ nửa đầu năm, cổ đông đã đặt nghi vấn: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?". Trả lời, Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình cho biết, công ty không có công ty sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.