Còn biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trong giải quyết hồ sơ tại Đồng Nai
Giai đoạn 2021 - 2023, công tác CCHC, giải quyết TTHC, cung cấp DVC của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả, song còn biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc không giải quyết.
Né tránh, lòng vòng
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp dịch vụ công (DVC) cho người dân và doanh nghiệp tại UBND tỉnh Đồng Nai.
Kết luận nêu, giai đoạn 2021 - 2023, công tác cải cách hành chính, giải quyết TTHC, cung cấp DVC của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả, song còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.
Cụ thể, theo TTCP, việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC ban hành mới, thay thế, bãi bỏ một số quyết định, song trong đó quy định về thời hạn giải quyết không thống nhất; chậm ban hành một số quyết định công bố TTHC so với quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; Nghị định 48/2013/NĐ-CP; Nghị định 92/2017/NĐ-CP.
Trong phối hợp, thẩm định hồ sơ của các cơ quan, tổ chức và chờ lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh, TTCP kết luận mất nhiều thời gian và còn biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc không giải quyết.
Kiểm tra xác suất 58 hồ sơ quá hạn, có 13 hồ sơ quá hạn vì nguyên nhân trên; có 824 hồ sơ giải quyết quá thời hạn do chưa có thông báo nghĩa vụ tài chính nhưng trên hệ thống một cửa điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh đã hoàn thành xử lý và thống kê vào hệ thống là hồ sơ giải quyết trong thời hạn quy định.
Cơ quan Thanh tra cho biết, giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành 50 cuộc kiểm tra và các cơ quan, tổ chức tiến hành 24 cuộc kiểm tra tại 116 đơn vị (trong đó: kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính và cải cách hành chính tại 85 UBND cấp xã và 7 Bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện; kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 15 Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ tại 9 đơn vị, địa phương). Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chỉ đạo thiếu quyết liệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cấp DVC cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến công tác kiểm tra còn nhiều tồn tại.
Trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai. |
Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức có sai phạm
Theo TTCP, từ những vấn đề nêu trên, dẫn đến công tác CCHC, giải quyết TTHC, cung cấp DVC, cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến chỉ đạt 15% và tiếp nhận trực tuyến toàn trình là 8%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC quá hạn cao, chiếm 15,5% (85.270 hồ sơ); việc số hóa hồ sơ giải quyết, đạt tỷ lệ 14.61% (cấp tỉnh là đạt tỷ lệ 27,44%; cấp huyện, đạt tỷ lệ 17,63%; cấp xã đạt tỷ lệ 8,86%); các TTHC thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đang thực hiện tại phòng chuyên môn của huyện (huyện Nhơn Trạch) chưa thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa như báo cáo của UBND tỉnh.
Hồ sơ giải quyết quá hạn của các phòng, ban chuyên môn thuộc 4 cơ quan, tổ chức được kiểm tra cao, một số đơn vị chiếm tỷ lệ trên 50% (Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư); nhưng tỷ lệ hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến của tỉnh trong thời kỳ thanh tra mới đạt 47,57% chưa đạt mục tiêu đề ra là phải đạt tỷ lệ 50% trở lên.
“Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh; các cơ quan của tỉnh có liên quan; Trưởng các đoàn kiểm tra”, TTCP quy kết.
Từ những thiếu sót nêu trên, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra, rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác CCHC, kiểm soát TTHC, nhất là trong công tác giải quyết TTHC, cung cấp DVC.
Phải tổ chức kiểm điểm, xử lý về mặt Đảng và pháp luật với cá nhân, tổ chức có liên quan sai phạm.
Hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Năm 2022, kết quả chỉ số tổng hợp của tỉnh Đồng Nai đạt 82,92%, xếp thứ 51/63 (tăng 04 bậc so với năm 2021); kết quả xếp hạng Par Index của tỉnh tuy có tăng về thứ hạng nhưng điểm số không tăng và ở nhóm thấp so với cả nước; Chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 77,31% (thấp hơn trung bình cả nước 2,77%), xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố.
>>Nóng: Gần 9.000 hồ sơ bị treo từ ngày 1/8 tại TP. HCM sắp được 'gỡ khó'
Hàn Quốc hướng đến cung cấp dịch vụ công 'may đo' riêng cho mỗi người dân
Người dân Hà Nội sắp được tiếp cận dịch vụ công trong bán kính không quá 5km