Thời đại của các vua Hùng được đánh giá là một thời kỳ văn minh, tiến triển trong hơn hai thiên niên kỷ và đã sáng tạo nên nhiều kỳ tích.
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 10/3 Âm lịch, người dân cả nước lại nô nức trẩy hội đền Hùng, cùng nhau thắp hương để tưởng nhớ về công ơn dựng nước, giữ nước của 18 đời vua Hùng.
Hùng Vương hay vua Hùng là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, triều đại được cho là được lập ra hơn 4.000 năm trước. Câu chuyện các vua Hùng không có trong chính sử mà nằm trong các truyền thuyết dân gian của người Việt được kể lại qua nhiều đời. Với người Việt Nam, các vua Hùng đại diện cho tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc riêng suốt nhiều nghìn năm.
Thi tuyển để chọn người nối ngôi
Vị vua nói trên là Hùng Vương thứ 7. Trong 18 đời vua Hùng, ông là vị nổi tiếng nhất. Người Việt Nam vẫn biết đến ông qua cái tên lúc còn là hoàng tử: Lang Liêu.
Tương truyền, Hùng Vương thứ 6 có 33 con trai (con trai vua Hùng được gọi là quan lang) và 19 con gái (gọi là các mỵ nương, hay mệ nàng). Sau khi phá tan giặc Ân, đất nước bình yên, vua nghĩ đến chuyện tìm người kế thừa ngôi báu, bèn gọi các con trai đến phán rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho người nào làm ta vừa ý. Cuối năm nay, mỗi con hãy mang đến mâm cỗ với các thứ mỹ vị để ta dâng cúng tổ tiên, làm tròn đạo hiếu, cỗ của ai khiến ta vừa ý nhất thì sẽ được truyền ngôi”.
Mấy chục vị quan lang cho người tỏa đi khắp đất nước, từ rừng sâu, núi cao để biển cả xa xôi tìm của ngon vật lạ. Riêng vị lang thứ 18 có tên là Liêu vốn nghèo khó, mẹ trước kia bị vua cha ghẻ lạnh nên chết sớm, tả hữu ít người giúp đỡ nên nhìn quanh ngó quẩn không nghĩ được món gì dâng lên. Bỗng một đêm, Lang Liêu mộng thấy thần hiện lên bảo: “Các vật quý trong trời đất không gì bằng gạo. Gạo do người làm ra, có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán. Nay hãy đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng cho trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”.
Lang Liêu tỉnh dậy, càng nghĩ càng mừng, nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”. Rồi chàng cho người chọn thứ gạo nếp trắng tinh, chọn những hạt tròn mẩy nhất vo sạch để làm loại bánh hình vuông tượng trưng cho đất, ở giữa cho nhân gồm đậu xanh, thịt lợn, ngoài bọc lá xanh, đại diện cho cây cỏ muông thú. Bánh gói xong nấu trong nhiều giờ cho chín, gọi là bánh chưng. Chàng lại cho đồ chín gạo nếp giã nhuyễn, nặn thành bánh hình tròn tượng trưng cho trời, gọi là bánh giầy.
Đến kỳ, các quan lang dâng lên vua cha những mâm cúng toàn của ngon vật lạ mà họ lùng kiếm ở chân trời góc bể, riêng mâm cỗ của quan lang thứ 18 là đơn sơ nhất, đến nỗi các anh em chàng đều tỏ ý cười cợt, xem thường. Không ngờ vua Hùng lại dừng lại ở mâm của Liêu lâu nhất. Ngài hỏi con trai về ý nghĩa, cách làm 2 loại bánh lạ, càng nghe càng gật gù hài lòng, cảm thấy 2 loại bánh này khi dâng cúng sẽ thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của ngài đối với tổ tiên và trời đất. Vua bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, người trở thành Hùng Vương thứ 7.
Thời gian trị vì đáng kinh ngạc!
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính. 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm.
Con số này cũng có nhiều giả thuyết. Nhiều tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam chích quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh cũng viết là 18 ngành vua Hùng. Trong Ngọc phả Hùng Vương thì chữ “đời” phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự có nghĩa là không phải một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”.
Hiện ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa” thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế/chi/nhành Hùng Vương thứ 18. Việt Sử Tiêu Án là bộ sách sử viết bởi Ngô Thì Sĩ, hoàn thành năm 1775. Tác phẩm đề cập đến lịch sử Việt Nam từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn ngoại thuộc nhà Minh.
Trong Việt Nam sử lược, nhà sử học Trần Trọng Kim cũng viết: “…Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được non 150 năm. Dẫu là người đời thượng cổ nữa thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng con số 18 chỉ mang tính tượng trưng ước lệ vì nó là bội số của 9 - con số thiêng đối với người Việt; 18 đời vua có nghĩa là rất nhiều đời vua Hùng thay nhau trị vì.