Đây là con đường ở Hà Nội do Bác Hồ trực tiếp đặt tên. Con đường này không mang tên danh nhân, cũng không mang tên các sản phẩm hàng hóa.
Hà Nội có nhiều đường phố mang tên các danh nhân hay mang tên sản phẩm, hàng hóa đất Kẻ Chợ. Thế nhưng, chỉ riêng một con đường thơ mộng lại mang tên đường Thanh Niên. Và không mấy người biết, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho con đường này.
Đường Thanh Niên dài gần 1km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ đến ngã ba Quán Thánh – Thụy Khuê. Con đường này nằm giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, cách Hồ Gươm khoảng 3km về phía Tây Bắc.
Do vị trí nằm giữa hai hồ nên nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên giống như một cây cầu phủ đầy cây xanh. Cuối đường là đền Quán Thánh có pho tượng đồng lớn, thờ một vị trong Tứ trấn của Thăng Long thành.
Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ XVII để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên Cố Ngự (giữ vững), sau được đọc chệch thành Cổ Ngư.
Con đường này cũng đi vào bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”.
Năm 1894, chính quyền đô hộ của thực dân Pháp cho đấu thầu phá tường thành Hà Nội, sau đó xây Dinh Toàn quyền thì Cổ Ngư lại được chú ý. Họ đổi tên thành đường Thống chế Lyoutey nhưng người Hà Nội vẫn gọi là Cổ Ngư. Khi đắp đê Yên Phụ, người Pháp đã mở đường rộng hơn, cho trồng cây phượng hai bên, cho lắp hàng đèn đốt bằng khí đất đèn. Tối tối, người của Sở Lục lộ đi mở van dẫn khí từ dưới chân cột lên đèn rồi châm lửa. Ánh sáng xanh mát xóa bóng tối, thuận tiện cho người đi lại; đồng thời cũng soi xuống mặt nước hai hồ làm khu vực này trở nên lãng mạn và kỳ ảo.
Sau ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), thanh niên Hà Nội đã đổ đất mở cho đường rộng, đẹp hơn, nhất là đoạn giữa, nơi có các hàng bánh tôm Hồ Tây ngon nổi tiếng. Đoạn dốc Yên Phụ được nắn thẳng, thoai thoải dễ đi. Phía trước đền Quán Thánh cũng được cạp rộng thêm tạo thành một vườn hoa.
Những chàng trai, cô gái Hà Nội phấn khởi gánh, xúc, đẩy xe chở đất… Họ vui vì được trực tiếp góp phần làm đẹp Thủ đô, còn vui hơn vì được gặp Bác Hồ. Vì công trường ở ngay gần Phủ Chủ tịch nên hai lần Bác Hồ đi công tác về qua, đã dừng xe xuống thăm.
Cuối năm 1959, công việc sửa chữa, mở rộng con đường đã xong, các đồng chí lãnh đạo thành phố, thành đoàn thanh niên Hà Nội bàn nên đặt cho con đường một tên mới. Cái tên Cổ Ngư nghe nó “cổ” quá. Một số người đề nghị đổi là đường Lý Tự Trọng, tên một đoàn viên thanh niên cộng sản tiêu biểu.
Một nhà văn hóa đề nghị nên đặt tên là đường Hồ Xuân Hương vì con đường thơ mộng này gắn liền với Bà Chúa thơ Nôm, nữ thi sĩ lãng mạn ở phường Khán Xuân, Thăng Long thành.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, khi đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội được giao nhiệm vụ lên báo cáo và xin ý kiến Bác Hồ.
Sau khi nghe trình bày, Bác Hồ hỏi lại:
- Những ai là người xây dựng con đường này?
Bác sĩ Trần Duy Hưng trả lời:
- Thưa Bác, thanh niên Thủ đô.
Bác nói giản dị:
- Thế thì nên đặt tên là đường Thanh Niên!
Đường Cổ Ngư mang tên Thanh Niên từ đấy. Ở đầu đường còn có một cây đa do Bác trồng, bên tượng Lý Tự Trọng.
Ngày nay, đây là một trong những con đường đẹp nhất của thủ đô Hà Nội. Vào những tối mùa hè oi bức, dưới lòng đường và hai bên vỉa hè đều đông đúc người tới hóng mát. Những ngày đông giá rét, vẫn có nhiều người ngồi uống trà nóng bên quán cóc. Và đây cũng chính là điểm hẹn của những đôi lứa yêu nhau ngồi tình tự bên hồ. Vì thế, đường Thanh Niên là con đường lãng mạn nhất Hà Thành và được nhiều người gọi vui là "đường tình yêu".