Con đường duy nhất giữa lòng Thủ đô được Bác Hồ đặt tên, dài chỉ 1km nhưng thuộc địa bàn 4 phường, là nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ nhất Hà Nội
Con đường này được tô điểm bởi những hàng cây xanh mát cùng những di tích cổ kính.
Nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên được mệnh danh là “con đường lãng mạn nhất Hà Nội”. Tuyến đường này dài gần 1km, kéo dài từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh – Thụy Khê, thuộc địa bàn 4 phường Yên Phụ, Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Trúc Bạch và Quán Thánh (quận Ba Đình).
Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ XVII để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu con đường này mang tên Cố Ngự (giữ vững), lâu dần, người dân đọc chệch thành đường Cổ Ngư. Sau đó, khi được mở rộng thành đường đôi với sự tham gia của hàng vạn thanh niên Hà Nội, con đường này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Thanh niên. Đây cũng chính là con đường duy nhất giữa lòng Thủ đô được Bác Hồ đặt tên.
Cụ thể, vào những năm 1957-1959, con đường này được lực lượng thanh niên cùng nhau tham gia cải tạo để trở nên to đẹp hơn. Khi hoàn thành, lãnh đạo thành phố cùng Thành đoàn thanh niên Hà Nội bàn về việc đặt tên mới cho tuyến đường này.
Một số đồng chí đề nghị đổi tên đường thành Lý Tự Trọng – tên một đoàn viên thanh niên cộng sản tiêu biểu, một số khác lại đề nghị đặt tên là đường Hồ Xuân Hương. Sau đó, bác sĩ Trần Duy Hưng khi đó đang là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đã trực tiếp đến gặp Bác Hồ và hỏi về việc đặt tên mới cho con đường này.
Sau khi nghe trình bày, Bác Hồ hỏi lại:
- Những ai là người xây dựng con đường này?
Bác sĩ Trần Duy Hưng trả lời:
- Thưa Bác, thanh niên Thủ đô.
Bác nói giản dị:
- Thế thì nên đặt tên là đường Thanh Niên!
Đường Cổ Ngư mang tên Thanh Niên từ đấy. Với lòng đường đẹp, vỉa hè thoáng rộng cùng những hàng cây xanh mát quanh năm, tuyến đường này trở thành một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô. Đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống, đường Thanh Niên giống như một cây cầu bắc ngang qua hồ Tây và hồ Trúc Bạch.
Trên trục đường này còn có chùa Trấn Quốc – ngôi chùa cổ nhất tại Hà Nội với niên đại hơn 1.500 năm. Theo đó, chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (541 - 547) trên một bán đảo nhỏ ở phía Đông hồ Tây. Khi đập Cổ Ngư được xây dựng vào thế kỷ XVII cũng đồng thời đắp nên con đường dẫn vào chùa. Vào năm 1989, chùa được xếp vào danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Nằm phía cuối đường Thanh Niên là đền Quán Thánh - một công trình ngàn năm của Việt Nam vừa chính thức được công nhận là điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt cách đây không lâu.
Nằm ở vị trí đắc địa giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên lúc nào cũng lộng gió, mát mẻ nên người dân thường hay đến đây để tập thể dục, chạy bộ, đạp xe, đi dạo,... Đặc biệt, vào mỗi buổi chiều hè, đường Thanh Niên cùng những cung đường ven hồ Tây trở thành nơi hóng mát và ngắm cảnh tuyệt đẹp được nhiều người trẻ ghé thăm.