Không chỉ đào tạo kỹ sư bán dẫn, Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn.
Thế giới trong "cơn khát” nhân lực ngành bán dẫn
Việt Nam đang có cơ hội và rất muốn tham gia sâu vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn. Tuy nhiên, giấc mơ này đang bị cản trở bởi vấn đề thiếu hụt trầm trọng nhân lực bán dẫn tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN), Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Do vậy, ông Hùng cho rằng, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đang phải đau đầu trước tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn. Chia sẻ với VietNamNet, ông Daniel Lin, Phó Tổng giám đốc Kinh doanh tại các thị trường mới nổi của MediaTek cũng thừa nhận về thực trạng này.
“Tại Singapore, chúng tôi đã làm việc với các trường đại học để tuyển dụng từ sớm, nhưng rất khó thu hút được nhân tài làm việc trong lĩnh vực này. Vấn đề tương tự cũng diễn ra ở Đài Loan. MediaTek đi tuyển dụng nhiều nhưng chẳng mấy ai ứng tuyển bởi nguồn nhân lực tại đó không đủ”, ông Daniel Lin cho hay.
Theo Phó Tổng giám đốc Kinh doanh tại các thị trường mới nổi của MediaTek, với lĩnh vực thiết kế vi mạch, lương của các kỹ sư rất tốt nhưng để đào tạo tốn rất nhiều thời gian. “Dù rất muốn mở rộng quy mô, chúng tôi gặp không ít thách thức”, ông Daniel Lin nói.
Giải thích về lý do dẫn đến “cơn khát” nhân sự bán dẫn, ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên bởi ở các nước phát triển, ngành đào tạo này không được nhiều người quan tâm.
Theo ông Quang, các bạn trẻ tại các nước phát triển muốn học những ngành nghề như tài chính, kinh tế bởi ngành kỹ thuật vốn khô khan, thu nhập lại chưa chắc đã cao hơn các ngành khác. Do đó, số lượng nhân lực bán dẫn ngày một giảm dần, trong khi nhu cầu lại đang tăng lên.
“Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc hay các nước châu Âu đều gặp tình trạng này. Mỗi nước có một lý do khác nhau nhưng về cơ bản đều thiếu hụt nguồn nhân lực bán dẫn có chất lượng”, Giám đốc FPT Semiconductor chia sẻ.
Đào tạo trong nước kết hợp hút chất xám nước ngoài
Để giải bài toán nguồn nhân lực bán dẫn cho Việt Nam, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Thông tin này vừa được Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng chia sẻ tại buổi họp giao ban quý 3 của Bộ KH&CN.
Bộ KH&CN cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phòng thí nghiệm về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, các phòng lab, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khuyến khích thành lập tại các viện, trường có lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn. Đây là những nơi góp phần bồi dưỡng các nhân tài cho ngành bán dẫn.
Theo ông Hùng, một trong những lời giải cho “cơn khát” nhân lực bán dẫn trình độ cao của Việt Nam là nguồn lực nước ngoài. “Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn”, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật nói.
Cụ thể, Bộ KH&CN sẽ triển khai các chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương với các nước có thế mạnh về KH&CN trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể làm chủ, nắm bắt nhanh các công nghệ lõi trong lĩnh vực này.
Giám đốc FPT Semiconductor, Nguyễn Vinh Quang cho rằng, Việt Nam không thua kém các nước khi xét tới mặt bằng chung trình độ nhân lực trong các nhóm ngành kỹ thuật. Ngay cả đối với lĩnh vực khó là bán dẫn, nhiều người Việt đã thành danh trong ngành bán dẫn toàn cầu.
“Tại Mỹ có kỹ sư Lê Duy Loan (Texas Instruments), TS Nguyễn Thị Bích Yến (Soitec), GS Lê Hạnh Phúc,... Tại Nhật cũng có nhiều người Việt khá nổi tiếng trong lĩnh vực này”, ông Quang nêu dẫn chứng.
Theo Giám đốc FPT Semiconductor, để bổ sung gấp nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt, FPT đã nhận chỉ tiêu với Thủ tướng sẽ đào tạo thêm 15.000 kỹ sư bán dẫn. Trên thực tế, trường Đại học FPT cùng FPT Semiconductor vừa công bố việc thành lập khoa Vi mạch bán dẫn nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực.
Do được đào tạo với giáo trình nước ngoài, những kỹ sư bán dẫn không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, mà còn có thể làm việc tại nhiều quốc gia khác. Ngay cả khi làm việc tại nước ngoài, họ sẽ là nguồn lực bổ sung cho thị trường bán dẫn Việt Nam khi trở về nước 5-10 năm sau đó.
FPT sẽ đưa các chương trình giảng dạy về bán dẫn xuống cả hệ đào tạo cao đẳng. Một số công ty đóng gói chip hiện có nhu cầu về kỹ sư hoặc công nhân bậc cao. Đây cũng là mảng thị trường đầu ra cho nguồn nhân lực được đào tạo về bán dẫn.