Thiếu 81.000 nhân tài, giấc mơ siêu cường bán dẫn của Samsung và SK Hynix lung lay dữ dội
Hàn Quốc có thể thiếu tới hàng vạn lao động bán dẫn trong tương lai gần, đe dọa trực tiếp tham vọng mở rộng sản xuất chip của các “ông lớn” như Samsung và SK Hynix. Giới chuyên gia lo ngại khủng hoảng nhân lực sẽ cản trở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á duy trì vị thế cường quốc bán dẫn toàn cầu.
Chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đánh giá thấp nghiêm trọng nhu cầu lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai của cường quốc Đông Á này. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt tới 81.000 lao động nếu các chính sách hiện tại không thay đổi, theo kết quả kiểm toán của Chính phủ công bố hôm thứ Ba (1/7).

Báo cáo của Cơ quan Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) về phát triển nhân lực cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư cho thấy dự báo năm 2022 của Chính phủ “xứ sở kinh chi” đã đánh giá thấp đáng kể nhu cầu và đồng thời đánh giá quá cao nguồn cung lao động trong ngành bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Vào tháng 7 năm 2022, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc dự báo ngành bán dẫn sẽ cần thêm 127.000 lao động trong vòng 10 năm tiếp theo (từ năm 2022 đến năm 2031). Dự báo đó được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Yoon Suk Yeol đưa ra yêu cầu tại một cuộc họp Nội các ngay sau khi nhậm chức, trong đó vị nguyên thủ quốc gia này kêu gọi xây dựng kế hoạch toàn diện nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả ngành bán dẫn.
>> Ông Trump tính thu hồi giấy phép hoạt động của Samsung, SK Hynix và TSMC: Chuyện gì xảy ra?

Tại cuộc họp báo đánh dấu 100 ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống vào tháng 8/2022, ông Yoon tuyên bố Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 150.000 chuyên gia bán dẫn thông qua hợp tác giữa khu vực công và tư nhân, dựa trên ước tính của Bộ Công nghiệp Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cuộc kiểm toán cho thấy dự báo năm 2022 của Bộ Công nghiệp siêu cường châu Á này chỉ tính đến nhu cầu lao động tăng thêm do sự phát triển nhanh chóng của ngành bán dẫn, mà không tính đến nhu cầu thay thế do nghỉ hưu hoặc lao động rời khỏi thị trường. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc được cho là đã loại trừ yếu tố đó với lý do khó ước tính và cho rằng tác động là “không đáng kể”.
Dù vậy, theo ước tính mới được BAI ủy quyền, nhu cầu thay thế có thể lên tới 89.000 lao động. Ngoài ra, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc còn bị cho là đã tính toán quá mức nhu cầu tăng trưởng. Theo dự báo cập nhật của Hiệp hội Kinh tế Hàn Quốc, nhu cầu tăng trưởng thực tế chỉ ở mức 92.000 lao động, thấp hơn 35.000 người so với dự báo ban đầu của Bộ này.

Tổng hợp lại, sai số của dự báo cũ lên tới khoảng 42%, cho thấy tổng nhu cầu lao động ngành bán dẫn Hàn Quốc từ nay đến năm 2031 là khoảng 181.000 người, cao hơn đến 54.000 lao động so với dự báo trước đó.
>> Intel xóa sổ công nghệ chủ lực, hy sinh hàng tỷ USD để đổi lấy 1 cơ hội: Vua chip toan tính gì?
Kế hoạch của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng bị đánh giá là không đáng tin cậy do dựa trên dự báo sai lệch. Chính sách của Bộ này nhằm mục tiêu đào tạo 151.000 lao động cho ngành bán dẫn “xứ sở kim chi” đến năm 2031.
Tuy nhiên, con số đó bao gồm cả chương trình đào tạo lại cho lao động hiện hữu, vốn không tạo ra nguồn nhân lực mới. Cuộc kiểm toán cho rằng chính sách này đã đánh giá quá cao nguồn cung khoảng 50.000 lao động.
Theo BAI, với tổng nhu cầu thực tế là 181.000 lao động trong ngành bán dẫn Hàn Quốc, khoảng cách giữa cung và cầu có thể lên tới 81.000 người.
“Nếu các dự án phát triển nhân lực cho ngành bán dẫn tiếp tục triển khai dựa trên dự báo hiện tại, Hàn Quốc có nguy cơ không đủ số lượng lao động cần thiết trong ngành này”, báo cáo của BAI nhấn mạnh.
Cuộc kiểm toán cũng cho thấy kế hoạch mở rộng nguồn nhân lực kỹ thuật số của Bộ Giáo dục Hàn Quốc thiếu chi tiết theo từng lĩnh vực công nghệ. Mặc dù kế hoạch đưa ra mục tiêu chung cho toàn ngành công nghiệp số, nhưng không có chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), Metaverse, mạng Internet 5G và 6G, phần mềm, dữ liệu lớn và an ninh mạng.
“Trong khi nguồn nhân lực cho AI và Metaverse dự kiến sẽ vượt cầu vào năm tới, sáu lĩnh vực còn lại có khả năng thiếu hụt lao động,” BAI kết luận.
Metaverse là thuật ngữ chỉ một không gian ảo 3D được xây dựng trên nền tảng Internet, nơi con người có thể tương tác, làm việc, giải trí, giao tiếp và thậm chí mua sắm thông qua các nhân vật đại diện (avatar).
Hiểu đơn giản, Metaverse là sự kết hợp giữa thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), blockchain, AI và các công nghệ số khác, tạo ra một thế giới kỹ thuật số song song với đời thực.
Việc Hàn Quốc bị cảnh báo có thể thiếu tới 81.000 lao động bán dẫn vào năm 2031 đã đe dọa trực tiếp tham vọng mở rộng sản xuất chip toàn cầu của các "ông lớn" nước này như Samsung và SK Hynix. Giới chuyên gia lo ngại khủng hoảng nhân lực sẽ cản trở siêu cường châu Á này duy trì vị thế cường quốc bán dẫn toàn cầu.
Theo Korea JooAng Daily
Bức tranh trái chiều ở hai siêu cường châu Á trước hạn chót thuế quan 9/7
Hàn Quốc: Bắt 6 người Mỹ đang cố chuyển gạo, tiền mặt sang Triều Tiên