Xã hội

Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thuê phần mềm nghe lén cuộc gọi

Hoài Thanh 28/05/2024 - 16:24

Công an tỉnh Đồng Tháp vừa đưa ra cảnh giác về thủ đoạn "lừa đảo thông qua bán, cho thuê phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi và cách xử lý khi điện thoại đã cài đặt phần mềm độc hại".

Thủ đoạn thuê phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là bán và cho thuê phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường chào bán hoặc cho thuê những phần mềm này với lời hứa "giúp người dùng theo dõi tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại của người khác mà không bị phát hiện".

“Tuy nhiên, sau khi nạn nhân trả tiền, họ có thể không nhận được phần mềm như quảng cáo, hoặc nhận phải các phần mềm chứa mã độc, gây lộ lọt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dùng cần phải cẩn trọng và không nên tin vào những dịch vụ không rõ nguồn gốc để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này”, Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Đồng Tháp cảnh báo.

Công an cho biết thêm, các đối tượng lừa đảo tạo, lập các trang mạng xã hội để đăng quảng cáo bán phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi điện thoại. Khi có người liên hệ mua, các đối tượng sẽ liên hệ qua Zalo, Telegram,… để hướng dẫn cách thức sử dụng và cung cấp thông tin về mức phí thuê phần mềm.

Nếu khách hàng đồng ý, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước thông qua các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các tương tác ảo về phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi điện thoại nhằm tăng lòng tin của nạn nhân.

“Chúng thường tạo ra các đánh giá, bình luận tích cực giả mạo trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn trực tuyến, khiến nạn nhân tin tưởng vào tính năng và hiệu quả của phần mềm. Những chiêu trò này giúp đối tượng dễ dàng lấy lòng tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Làm gì khi đã cài đặt phần mềm độc hại trên điện thoại?

Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đưa ra các dấu hiệu phổ biến cho thấy điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại như: Ứng dụng thường xuyên bị treo; tăng mức tiêu thụ dữ liệu; điện thoại hao pin nhanh; xuất hiện các tin nhắn rác…

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tận dụng tâm lý thiếu cảnh giác của những người dùng thiết bị di động, để thực hiện các hành vi giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước,… lừa người dân tải tệp APK (Android Package Kit) và cài đặt ứng dụng chứa mã độc có tên như: Tổng Cục thuế, Dịch vụ công, Căn cước công dân, Định danh điện tử,...

Các phần mềm chứa mã độc này sẽ giúp đối tượng lừa đảo vượt qua hầu hết các biện pháp xác thực và bảo vệ của thiết bị di động, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền và tài sản của nạn nhân.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dùng nên thực hiện những phương pháp khắc phục và phòng chống nguy cơ từ ứng dụng độc hại, như: không nghe theo lời giả danh từ số điện thoại lạ, không điền thông tin nhạy cảm vào đường link lạ, không tải và cài đặt phần mềm lạ.

Nếu đã cài, phải lập tức ngắt kết nối internet (3G, 4G, wifi..), bật điện thoại sang chế độ bay và liên hệ với ngân hàng để khoá tài khoản tạm thời.

Cùng với đó, nên cài đặt lại thiết bị, có thể tự cài hoặc đến các trung tâm bảo hành hoặc các cửa hàng điện thoại uy tín, sử dụng Google Play Protect để quét và dò tìm các phần mềm độc hại trên thiết bị di động.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân trong vụ việc tương tự, người dân cần kịp thời báo ngay với Công an địa phương nơi gần nhất.

Công an khuyến cáo, không tin tưởng vào các quảng cáo không rõ nguồn gốc: Không nên mua hoặc thuê phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi điện thoại từ các trang mạng xã hội hoặc các nguồn không đáng tin cậy, vì đây có thể là các chiêu trò lừa đảo.

Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền: Trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai để mua hoặc thuê phần mềm, hãy xác minh tính hợp pháp và uy tín của dịch vụ. Đừng chuyển tiền nếu cảm thấy có dấu hiệu đáng ngờ.

Sử dụng phần mềm bảo mật: Cài đặt các phần mềm bảo mật trên điện thoại để phát hiện và loại bỏ các ứng dụng gián điệp hoặc phần mềm có hại.

Thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân: Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng cho những người không rõ danh tính hoặc qua các nền tảng không bảo mật.

Cập nhật kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo mới: Liên tục cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới và biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân và tài sản.

Khi đã cài đặt phần mềm chứa mã độc, người dân nên làm gì?

Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo khi có những dấu hiệu nghi ngờ điện thoại bị nhiễm phần mềm độc hại, người dùng nên quét và xóa phần mềm độc hại bằng chương trình bảo mật tích hợp trong điện thoại.

Sử dụng Chế độ an toàn (Safe mode) của Android để xóa phần mềm độc hại

Xóa bộ nhớ cache của trình duyệt và bật chế độ bảo vệ Play Protect của Google

Cập nhật điện thoại lên phiên bản hệ điều hành mới nhất

Khôi phục cài đặt gốc cho điện thoại

>> Người đàn ông mất hơn 2,2 tỷ đồng sau cuộc gọi của kẻ xưng công an

Người đàn ông U70 phải lòng cô nữ sinh nghèo khó, "lọt lưới" lừa đảo qua mạng mất hơn 300 triệu đồng, danh tính "người tình bé nhỏ" càng gây sốc!

Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng chiếm đoạt hơn 52 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cong-an-canh-bao-thu-doan-thue-phan-mem-doc-trom-tin-nhan-nghe-len-cuoc-goi-2285226.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thuê phần mềm nghe lén cuộc gọi
POWERED BY ONECMS & INTECH