Vĩ mô

Công bố 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt hơn 20%

Vân Anh 15/09/2023 - 18:45

Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022, 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đạt hơn 20% là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Nam Định, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và các kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như, số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhận thức, thói quen của người dân còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số; hay việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chậm...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc tham quan triển lãm giải pháp công nghệ, trong khuôn khổ diễn đàn. (Ảnh: Ngọc Quỳnh).

Theo báo cáo của Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT, trong 17 mục tiêu đến năm 2025 được đề ra tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, tính đến tháng 6, đã có 2 mục tiêu hoàn thành, đạt 11,8%; 15 mục tiêu đang thực hiện, đạt 88,2%, trong đó 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến 2024, 6 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến 2025 và 7 mục tiêu còn thách thức, nguyên nhân chủ yếu là chưa có số liệu thống kê chính thức, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương kịp thời nghiên cứu phương pháp thống kê, đo lường.

Về các nhiệm vụ, Chiến lược quốc gia giao cho các bộ, ngành, địa phương 114 nhiệm vụ đến năm 2025. Đến nay, 20 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 17,5%; 94 nhiệm vụ chưa hoàn thành, tương ứng 82,5%.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số Trần Minh Tuấn đã giới thiệu một số kết quả của Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022. Báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TT&TT đồng bảo trợ, với sự tham gia của Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Công nghiệp của Ban Kinh tế Trung ương; Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Vụ Kinh tế số và xã hội số thuộc Bộ TT&TT.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số Trần Minh Tuấn giới thiệu một số kết quả của Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022. (Ảnh: Ngọc Quỳnh).

Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước năm 2021 là 11,91% và năm 2022 là 14,26%. Trong đó, kinh tế số ICT vẫn là trụ cột với tỷ trọng đóng góp khoảng hơn 9% GDP và tác động lan tỏa của công nghệ số, ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5% (như vậy tỷ lệ cơ cấu kinh tế số ICT trên kinh tế ngành lĩnh vực đang khoảng 70:30), 70% cho kinh tế số ICT.

“Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực đạt 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030, nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành, lĩnh vực phải đạt khoảng 30-40%/ năm và cơ cấu tỷ trọng sẽ là 30% kinh tế số ICT và 70% kinh tế ngành và lĩnh vực”, ông Trần Minh Tuấn thông tin.

Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của các tỉnh, thành phố trên cả nước theo ước tính sơ bộ của nhóm nghiên cứu. (Ảnh: Vụ Kinh tế số và xã hội số).

Xét ở cấp độ tỉnh, thành phố, nhóm nghiên cứu cũng ước tính được sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của 63 địa phương. Trong đó, có 5 địa phương có tỷ trọng trên 20%; 13 địa phương có tỷ trọng từ 10 – 20%; 43 địa phương có tỷ trọng từ 5 – 10%; chỉ 2 địa phương có tỷ trọng dưới 5%.

Thống kê cũng cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu và nhóm các tỉnh, thành phố ở cuối bảng xếp hạng.

Tỉnh cao nhất là Bắc Ninh, có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 56,83%, trong khi tỷ lệ này của Quảng Ngãi là 4,21%, chênh lệch hơn 13 lần.

Các tỉnh, thành phố có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất, theo Báo cáo kinh tế số Việt Nam 2022, cũng là những địa phương dẫn đầu về kinh tế ICT. (Ảnh minh họa: N.Liên).

Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất hiện nay thuộc về các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Đây cũng là nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về kinh tế số ICT với thế mạnh từ việc sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ lớn. “Cần lưu ý rằng 4/5 tỉnh, thành phố thuộc nhóm này nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước”, Vụ Kinh tế số và xã hội số nêu.

Đối với sự lan tỏa công nghệ số, ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác, Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 cho thấy, 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT là Đà Nẵng, TP.HCM, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế; còn 5 địa phương ghi nhận mức độ lan tỏa ICT thấp nhất gồm có Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bình Thuận.

Mức độ ứng dụng công nghệ số tăng trưởng mạnh nhất thuộc về nhóm các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (khoảng 19%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (16%); hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (14%); GD&ĐT (13)... Nhóm các ngành, lĩnh vực có mức độ lan tỏa ICT thấp nhất là khai khoáng; xây dựng; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải trong hơn 1 năm triển khai Chiến lược quốc gia, Vụ Kinh tế số và xã hội số cho biết: Bộ TT&TT đã phát triển một công cụ hỗ trợ công tác tổng hợp, giám sát tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, kết nối tới các tỉnh, thành phố, tới mạng lưới chuyên gia tư vấn kinh tế số. Dự kiến, vào tháng 11/2023 Bộ TT&TT sẽ cung cấp công cụ này cho các địa phương.

Bên cạnh đó, để tận dụng nguồn lực nhằm mang lại kết quả lớn nhất về kinh tế số, Bộ TT&TT xác định 5 lĩnh vực chính cần tập trung thúc đẩy là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dệt may; ngành logistics, ngành nông nghiệp và ngành du lịch.

Bình Định tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng 'Ngày Chuyển đổi số quốc gia'

Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cong-bo-5-dia-phuong-co-ty-trong-kinh-te-so-tren-grdp-dat-hon-20-2190091.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Công bố 5 địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt hơn 20%
POWERED BY ONECMS & INTECH