Công nghiệp hóa biến những cái tưởng rất khó thành rất dễ

04-07-2023 06:30|Lưu Thiên Chương

Dõi theo những bước thăng trầm của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam trong hơn 60 năm qua, TS Nguyễn Chí Công đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về dấu mốc đầu tiên của lĩnh vực này.

“Nếu không có máy tính, chúng ta không thể khai thác dầu mỏ, hoàn thiện cầu đường hay quản lý nhà máy thủy điện…”

Thưa TS Nguyễn Chí Công, được coi như “pho sử sống”, cũng là người chứng kiến quá trình hình thành và phát triển CNTT ở Việt Nam cho đến hiện tại, ông có thể chia sẻ một điểm mốc ấn tượng trong suốt hành trình này?

- Kể từ những năm 60, GS. Tạ Quang Bửu có kế hoạch để các sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học về CNTT nhưng phía Liên Xô chưa đồng ý. Vào bối cảnh thời đó, Trung Quốc hầu như chưa biết gì về lĩnh vực này và có thể nói chúng ta đã có những bước đi sáng suốt từ rất sớm. Trên thế giới, Liên Xô và Mỹ là hai siêu cường đang chạy đua vũ trang mạnh mẽ. CNTT của Liên Xô bấy giờ vô cùng tối tân, họ là nước phóng vệ tinh đầu tiên, đi đầu trong việc đưa con người lên vũ trụ.

Dù ủng hộ chúng ta ở nhiều mặt, những riêng với ngành CNTT, Liên Xô có lệnh cấm sinh viên nước ngoài theo học. Thậm chí, tin tức về ngành này từng là thông tin tuyệt mật đối với đại đa số người dân Liên Xô. Trong tình cảnh ngặt nghèo đó, GS. Tạ Quang Bửu đã gửi đề án gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, nước bạn rất nể mới nhận 9 học sinh Việt Nam đầu tiên sang học về CNTT. Tuy nhiên, những người này không hề được học cách tạo ra máy tính mà chỉ được học cách sử dụng.

TS. Nguyễn Chí Công bên chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam

Trong đoàn sinh viên năm đó, chúng ta có GS. Nguyễn Bá Hào. Thầy Hào học giỏi đến mức được giáo sư người Nga yêu mến, rồi bí mật truyền dạy cho thầy về CNTT. Nhờ đó vào năm 1962, khi thầy Nguyễn Bá Hào bảo vệ thành công luận văn ở Liên Xô, Việt Nam đã có phó tiến sĩ đầu tiên về CNTT. Ngay khi thầy Hào trở về nước, khi cả Việt Nam chưa ai biết CNTT là gì, thầy đã lập môn Tin học ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với 4 sinh viên ghi danh theo học khóa đầu tiên. Những người này là thế hệ đàn anh của tôi. Về sau các anh đều là lãnh đạo ngành CNTT ở Việt Nam, công của thầy Nguyễn Bá Hào rất lớn.

CNTT là ngành đóng góp trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Nhưng có lẽ vì lý do thời cuộc nên rất nhiều công lao của các thế hệ nhà khoa học, kỹ sư CNTT chưa được thông tin và nhận thức đầy đủ?

- Có thể nói như vậy. Ngành CNTT có đóng góp rất lớn lao, không chỉ đem lại tiền bạc của cải ở thời bình mà còn ở vị trí quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tưởng tượng nếu không có máy tính thì chúng ta không thể khai thác dầu mỏ, hoàn thiện cầu đường của tuyến huyết mạch Trường Sơn hay quản lý những đại công trình thời đó như Nhà máy Thủy điện Sông Đà. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những chiến công thầm lặng của Quân đội và Công an Nhân dân khi ứng dụng CNTT vào bảo vệ đất nước.

Cũng vì lý do đó mà tôi thành lập Bảo tàng Công nghệ thông tin để tri ân những nhà khoa học, kỹ sư mà có thể công chúng đã hoặc chưa biết đến. Rất nhiều sử gia, nhà nghiên cứu nước ngoài đến bảo tàng thăm quan đều ngạc nhiên trước diễn trình phát triển CNTT của Việt Nam trong quá khứ.

Những mốc son của ngành được TS Công trân trọng

Có một điều TS hầu như chưa chia sẻ với báo chí, đó là việc ông đã cải tiến hệ thống ấn loát trong nước, chuyển từ kỹ thuật in trên bản kẽm sang in điện tử. Điều gì khiến ông nhìn thấy tiềm năng ở công nghệ này từ đầu những năm 80?

- Tôi vốn thích hội họa từ bé, thích sưu tầm những bức tranh, cuốn sách đẹp. Sau này cụ thân sinh khuyên tôi theo ngành kỹ thuật, nhưng với “máu” nghệ sĩ trong người, tôi nhận thấy chất lượng in dập sách vở trong nước thời đó khá kém. Các bản kẽm phụ thuộc vào tay nghề của họa sĩ, con người làm thì chỗ chữ to, chữ bé, khó đều nhau.

Vào năm 1983, tôi quay trở sang châu Âu lần nữa, nhờ đó biết về sự ra đời của Adobe, nay họ đã thành tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới. Hai nhà sáng lập ban đầu chỉ là những kỹ sư “làng nhàng” ở Mỹ, nhưng tư tưởng của họ thì tôi hiểu ngay. Adobe tiếp thu thành quả từ một kỹ sư người Pháp tên là Bézier. Ông Bézier vốn là chuyên gia thiết kế thân vỏ ô tô. Tuy nhiên kỹ sư thiết kế thời đó khác với nghề mỹ thuật công nghiệp bây giờ, họ không chỉ biết mỹ thuật mà còn là dân toán học để nghiên cứu cách vẽ thân vỏ sao cho ô tô chống lại lực cản không khí, vừa đẹp vừa đi nhanh. Ông Bézier thì “lười”, có lẽ đó là bản chất dân toán chúng tôi, muốn dùng toán để nhàn và giải quyết mọi vấn đề.

Trao đổi với những vị khác đến tham quan bảo tàng

Bézier đã dùng lại một tư tưởng có từ thời Newton, Leibniz, đó là mọi đường cong chẳng qua là những đường thẳng ghép lại. Bây giờ một đường tròn chúng ta phóng to lên, sẽ thấy chẳng qua là các điểm trên máy tính. Béziers sử dụng phương trình tính đường thẳng, từ đó nghĩ ra phương trình tham số của đường cong có thể sử dụng trong đồ họa máy tính, cái sau này chúng ta gọi là đường cong Bézier. Đến đây ông dừng lại vì đã vẽ được cái ô tô rất đẹp trên máy tính.

Nhưng hai cậu sáng lập của Adobe rất nhanh nhạy, họ đọc bài viết của Bézier và nhận ra việc thiết kế các chữ cái, in ấn có thể để máy tính làm và làm rất nhanh. Không cần đến họa sĩ, sẽ đẹp hơn và muốn to nhỏ kiểu gì cũng được. Adobe đã đưa phương trình Bézier trở thành cái mà ngày nay chúng ta gọi là công nghiệp hóa.

Họ thành lập công ty, phát triển từ nền tảng của Bézier để tạo ra loại ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ mô tả trang, thông dụng hơn là FDP, giúp chúng ta có thể mô tả bất cứ hình ảnh nào trong đời sống bằng ngôn ngữ toán học. Nhưng vì đại đa số mọi người không biết về toán, nên Adobe nghĩ ra ngôn ngữ để tất cả cùng mô tả được. Nhờ đó, Adobe trở thành công ty hàng đầu thế giới, có giá trị hàng chục tỷ đô.

Giáo dục cần phải thay đổi

Và sau đó là quá trình ông đưa sáng kiến này về Việt Nam? Liệu có khó khăn nào trong giai đoạn ban đầu không, thưa TS. Nguyễn Chí Công?

- Dù rất triển vọng nhưng khi tôi mang công nghệ về Việt Nam thì không ai tin, trong khi chúng ta lúc đó là cường quốc về toán học. Tôi đành bắt tay vào tự làm, dù bản thân cũng không có nhiều tiền. Trong 10 năm tiếp theo, tôi và các học trò đã vẽ được 5.000 bộ chữ. Nhóm tôi làm hầu hết các chữ mà cơ quan, nhà in hiện nay vẫn đang dùng vì chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ thông tin

Vào năm 1995, tôi thiết kế thành công đường mạng đầu tiên cho Báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân. Lần đầu tiên 8 thành phố Việt Nam nối lại, có thể soạn báo từ xa và in ngay trong đêm, khác với trước kia là phải chuyển báo vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Lúc đó không ai tin Việt Nam bị cấm vận lại có thể tự làm được mạng, chính nhờ điều này tôi được bầu làm Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT. Có thể nói những công nghệ đang phổ biến và thiết yếu hiện tại nhưng thực ra từ thập niên 80, 90 chúng tôi đã có sự chuẩn bị để đưa về, từ in ấn đến internet.

Từ góc nhìn của người được tiếp thu CNTT từ rất sớm, với nhiều năm học tập, làm việc trong môi trường quốc tế, ông nhận thấy nút thắt về CNTT ở nước ta là gì?

Trong thập niên 70, TS. Nguyễn Chí Công là một trong những người tiên phong chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam cũng như châu Á. Ông cũng là Trưởng ban Khoa học công nghệ Hội Tin học Việt Nam, Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về CNTT, Thủ lĩnh tin học đầu tiên của Tập đoàn FPT...

- Chúng ta đang lạc hậu trong khi thế giới thay đổi rất nhanh. Giới trẻ thế giới ngày nay đã có tư duy toàn cầu hóa, sản phẩm họ sáng tạo ra không phụ thuộc nước nào cả và có thể dùng ở mọi quốc gia, đó là tư duy rất khác chúng ta. Chúng ta đa phần sáng tạo để phục vụ nhu cầu của một cá nhân, cơ quan, tập thể nào đó, chính vì thế mà sau không bán được cho ai cả vì duy nhất nhóm đó nảy sinh vấn đề như vậy.

Các nhà khoa học Việt Nam như chúng tôi đôi khi phải giải những vấn đề cực khó, nhưng lại chỉ dùng được duy nhất một lần. Ở những nước khác, đặc biệt là Mỹ, khi làm một cái gì đó họ đều nghĩ phải bán được nhiều lần, đôi khi không cần tốt nhất nhưng cần rẻ và nhanh nhất.

Vậy còn nút thắt về giáo dục? Được biết, ông là chuyên gia thường xuyên được mời phỏng vấn, cố vấn về lĩnh vực này trong những năm gần đây?

- Chúng ta đang đánh mất nguồn lực để chạy theo rất nhiều ngành trong tương lai dễ dàng bị thay thế. Những nghề rất dễ biến mất trong thời gian tới lại là những nghề chúng ta đang khuyến khích con cháu đổ xô đi học, ví dụ như ngành phiên dịch hay thậm chí, bác sĩ.

Tôi lấy ví dụ, trong tương lai, đại đa số chúng ta không cần đến khám bác sĩ. Chỉ có những bệnh tật rất đặc biệt, máy tính chưa có dữ liệu mới cần bác sĩ. Đối với những triệu chứng đã có hàng nghìn, hàng triệu bệnh án thì máy tính có thể trả lời chính xác hơn con người, đưa ra lời khuyên hữu hiệu về cần uống thuốc gì, liều bao nhiêu… Như vậy, đội ngũ bác sĩ sẽ dần thu hẹp, chỉ cần đến một số ít người sở hữu chuyên môn siêu giỏi.

Giáo dục cần phải thay đổi, tôi đã nói điều này từ cách đây 40 năm. Chúng ta nói nhiều về công nghiệp hóa nhưng dường như chưa hiểu đúng về nó. Công nghiệp hóa là biến những cái tưởng rất khó thành rất dễ, là tinh thần teamwork, mỗi người một khâu. Như Đài Loan bán mỗi phôi chip thôi, nếu không ai cần thì nền kinh tế của họ có thể sụp đổ, nhưng trên thực tế cả thế giới đang tranh mua phôi chip Đài Loan vì vừa rẻ vừa tốt. Nếu chúng ta đào tạo ra thế hệ cái gì cũng biết nhưng không chuyên là sai lầm, bởi kiếm người toàn tài vô cùng khó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thành tập đoàn mạnh

Cụm công nghiệp lớn nhất tỉnh Hòa Bình, nằm giáp Thủ đô Hà Nội: Sẽ tạo ra thêm 5.000-7.000 việc làm

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/ts-nguyen-chi-cong-cong-nghiep-hoa-bien-nhung-cai-tuong-rat-kho-thanh-rat-de-post135940.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công nghiệp hóa biến những cái tưởng rất khó thành rất dễ
    POWERED BY ONECMS & INTECH