Du ngoạn

Công trình thờ 'Trung Thiên tướng quân' của Việt Nam vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia

Manh Lan 19/08/2024 15:45

Đền thờ anh hùng dân tộc là ngọn cờ đầu trong phong trào chống Pháp được trao tặng bằng Di tích Quốc gia.

Ngày 18/8, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho đền thờ anh hùng Trương Định và lễ tưởng niệm 160 năm ngày ông tuẫn tiết.

Đền thờ tọa lạc tại xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, với kiến trúc nhà ba gian. Gian chính thờ tượng bán thân của ông, hai gian bên thờ mẹ, vợ, con trai và các nghĩa binh đã tham gia khởi nghĩa.

Được xây dựng vào năm 2007, đền thờ này có tổng diện tích hơn 26.668m2, bao gồm nhiều hạng mục như cổng tam quan, nhà bia, đền thờ chính, nhà trưng bày hiện vật, nhà khách, cùng khu vực sân vườn và tường rào bao quanh. Vật liệu sử dụng trong công trình chủ yếu là gỗ, gạch ngói, và đá, tạo nên không gian trang nghiêm, cổ kính.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đền thờ Trương Định, sáng 18/8. Ảnh: Thạch Thảo/VnExpress

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đền thờ Trương Định, sáng 18/8. Ảnh: Thạch Thảo/VnExpress

Ngoài ra, nhà trưng bày tại đền thờ còn lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh, và hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về công lao và tinh thần yêu nước của vị anh hùng này. Năm 2014, đền thờ này đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trương Định sinh năm 1820 trong một gia đình quan lại có truyền thống nho học. Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam và lập nghiệp tại xứ Gò Công. Đến năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đã chiêu mộ dân nghèo từ miền Trung đến Gò Công, lập đồn điền khai hoang. Sau đó, ông được triều đình phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ kiêm Chánh tổng huyện.

Năm 1859, khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định đã chiêu mộ quân, lập căn cứ quân sự và khởi nghĩa, giành được nhiều chiến thắng. Ông xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến, góp phần thúc đẩy các phong trào yêu nước trong khu vực Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.

Di tích lịch sử Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi. Ảnh: Phúc Hảo

Di tích lịch sử Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi. Ảnh: Phúc Hảo

Ngày 5/6/1862, triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp và ra lệnh ông bãi binh. Tuy nhiên, Trương Định đã từ chối tuân lệnh và tiếp tục chiến đấu cùng nghĩa quân. Tháng 2/1863, ông được nghĩa binh tôn làm "Bình Tây Đại nguyên soái" và tự xưng là "Trung Thiên tướng quân".

Đêm 19/8/1864, quân đội của ông bị phục kích bất ngờ do một người phản bội từ trong hàng ngũ. Ngày hôm sau, ông trúng đạn và hy sinh. Con trai ông, Trương Quyền, tiếp tục chí cha, quyết tâm chống giặc nhưng cũng bị ám sát sau đó.

Thi hài Trương Định được đưa về an táng tại Gò Công. Người vợ đầu của ông, bà Lê Thị Thưởng, đã mang bài vị ông về Quảng Ngãi để thờ phụng. Năm 1871, vua Tự Đức cho xây dựng đền thờ ông tại xã Tịnh Khê. Tuy nhiên, đền thờ này bị phá hủy trong thời gian chiến tranh.

>> Ngôi làng cổ hơn 600 tuổi duy nhất Việt Nam 'con nít ít hơn Tiến sĩ', có tới 3 di sản được UNESCO công nhận, 7 di tích cấp quốc gia

Việt Nam có một công trình tháp ngàn năm tuổi mới được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, chuyên gia đến khai quật được loạt cổ vật, đá quý vô giá

Việt Nam lên kế hoạch trùng tu cụm Di tích Quốc gia đặc biệt từng là điểm 'chia cắt' đất nước, kinh phí 80 tỷ đồng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-trinh-tho-trung-thien-tuong-quan-cua-viet-nam-vua-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-d130813.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công trình thờ 'Trung Thiên tướng quân' của Việt Nam vừa được xếp hạng Di tích Quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH