Du ngoạn

Việt Nam có một công trình tháp ngàn năm tuổi mới được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, chuyên gia đến khai quật được loạt cổ vật, đá quý vô giá

Linh Chi 17/08/2024 21:01

Từ các di tích bên trong tháp, các nhà nghiên cứu xác định tháp có niên đại từ thế kỷ 7-8 sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo.

Bảo tháp hàng nghìn năm tuổi

Tháp Vĩnh Hưng, còn được biết đến với các tên gọi là tháp Trà Long hay tháp Lục Hiền, tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây là một ngôi tháp cổ có lịch sử lâu đời, được phát hiện vào đầu thế kỷ XX.

Theo tài liệu để lại, người đầu tiên phát hiện ra tháp Vĩnh Hưng là Lunet de Lajonquière - một học giả người Pháp, vào năm 1911. Ông đặt tên tháp là Trà Long. Vào năm 1917, Henri Parmentier - một nhà khảo cổ học người Pháp, đã khảo sát khu vực này và công bố kết quả trong tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (BEFEO), đổi tên thành tháp Lục Hiền.

Tháp Vĩnh Hưng. Ảnh: Internet

Tháp Vĩnh Hưng. Ảnh: Internet

Đến năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (hiện nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) đã khảo sát và nghiên cứu về tháp. Từ các di tích bên trong tháp, các nhà nghiên cứu xác định tháp có niên đại từ thế kỷ 7-8 sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo.

Tháp Vĩnh Hưng có diện tích bình diện khá lớn, được xây dựng cao hơn 10m với các bức tường gạch dày, tạo ra một tải trọng hàng vạn tấn. Nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát, tháp đất nung Vĩnh Hưng nổi bật trên nền xanh thẳm với vẻ ngoài dung dị nhưng vẫn giữ được nét uy nghiêm của một công trình tín ngưỡng.

Tháp Vĩnh Hưng là tháp đất nung hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Tháp Vĩnh Hưng là tháp đất nung hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Kiến trúc của tháp Vĩnh Hưng rất độc đáo, không giống các tháp Champa ở miền Trung Việt Nam. Tháp không xây giật cấp hay trụ cột giả, và không có các đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như cửa giả ở các mặt lưng và mặt hông. Đặc biệt, cửa tháp không xây về hướng Đông mà quay về hướng Tây Nam.

Phần móng của tháp được xây dựng xen kẽ giữa đá và gạch nhằm mục đích chống sụp lún. Được xây dựng trên nền đất yếu, việc sử dụng móng dàn trải trên một không gian rộng là giải pháp thông minh của người xưa. Vì vậy, dù đã tồn tại hơn một nghìn năm, tháp chỉ bị lún nhẹ.

Kiến trúc tháp có hình vuông, với ba lần bẻ góc đối xứng ở cả phía trước và phía sau. Bình đồ và vật liệu kiến trúc cùng các tàn tích sinh hoạt trong tháp cho thấy các vết tích văn hóa vật chất tại tháp Vĩnh Hưng mang đậm sắc thái văn hóa và kỹ thuật của vùng Đồng bằng Nam Bộ, đồng thời thể hiện truyền thống phát triển độc đáo.

Phát hiện loạt cổ vật quý hiếm

Khi nghiên cứu tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật quý giá như đầu tượng thần, bàn nghiền, Linga-Yoni, tượng đá, đồng, gốm và đá quý... Đặc biệt, bên trong lòng tháp thờ biểu tượng Linga-Yoni, biểu tượng của sự sáng tạo trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo.

Vào các năm 2002 và 2011, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành khai quật xung quanh tháp và phát hiện nhiều hiện vật quan trọng, bao gồm tượng đồng, Linga bằng đá, mảnh ngói, và viên gạch cổ.

Hiện vật cổ xưa khai quật khảo cổ phát hiện tại tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) bên trong nhà trưng bày. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN).

Hiện vật cổ xưa khai quật khảo cổ phát hiện tại tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) bên trong nhà trưng bày. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN).

Trong các đợt khai quật, đã phát hiện 5 hiện vật cổ được công nhận là bảo vật quốc gia, bao gồm: tượng Nữ thần Lakshmi, tượng Thần Sada Shiva, đầu tượng Thần Shiva, tượng Nam thần, và phù điêu Nữ thần Uma.

Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc và tôn giáo, vào năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Tháp Vĩnh Hưng là Di tích cấp Quốc gia.

Ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng Tháp Vĩnh Hưng là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

>>'Kho báu' chôn sâu dưới lòng đất thấp hơn cả mực nước biển, là công trình tháp cổ ‘độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam được công nhận kỷ lục thế giới

Phát hiện khảo cổ hàng vạn năm tuổi có loạt ký hiệu cực lạ, được đánh giá có thể viết lại lịch sử văn minh nhân loại

Dự án khảo cổ ngoài không gian đầu tiên của nhân loại: Phát hiện hơn 5.000 ‘hiện vật’

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-co-mot-cong-trinh-thap-ngan-nam-tuoi-moi-duoc-chinh-phu-cong-nhan-la-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chuyen-gia-den-khai-quat-duoc-loat-co-vat-da-quy-vo-gia-d130719.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam có một công trình tháp ngàn năm tuổi mới được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, chuyên gia đến khai quật được loạt cổ vật, đá quý vô giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH