Công ty con của EVN được chấp thuận làm đường dây 500kV, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng
Dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định - Thanh Hóa có vốn đầu tư trên 3.080 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án là công ty thành viên của EVN.
Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Thanh Hóa.
Chiều dài đường dây hơn 74km, vốn đầu tư trên 3.080 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng thương mại là 2.160 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị tổng mức đầu tư, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia – thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Mục tiêu của dự án là giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp. Dự án góp phần nâng cao độ dự trữ ổn định truyền tải trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - NMNĐ Nam Định I - Phố Nối, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Dự án đóng vai trò truyền tải công suất Nhà máy nhiệt điện Nam Định I sau khi nhà máy đi vào vận hành và các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào Hệ thống điện Quốc gia.
Chiều dài đường dây này là khoảng 74,4 km từ Nhà máy nhiệt điện Nam Định I đến Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh là Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tiến độ thực hiện dự án từ 2023 – 2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2024.
Tại quyết địn này, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ Dự án; chịu trách nhiệm huy động góp đủ số vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của Dự án; Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư Dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu EVN và EVNNPT “chỉ được triển khai thực hiện Dự án sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường điều chỉnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt”.
Lộ diện doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án đường dây 500 kV mạch 3 trị giá 23.000 tỷ đồng
Chi 730 tỷ làm trạm biến áp 220kV Nam Định 2: Bước tiến mới của hạ tầng điện miền Bắc
Đầu tư gần 730 tỷ đồng xây dựng trạm biến áp 220kV và đường dây tại Nam Định