Doanh nghiệp A-Z

Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch tham gia sân chơi mới, quy mô hàng tỷ USD

Thu Huyền 06/02/2025 22:00

Mới đây, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố kế hoạch xây dựng đề án Chứng nhận tín chỉ Carbon cho trạm sạc xe điện của mình.

Thị trường tín chỉ carbon - mỏ vàng hàng tỷ USD

Theo báo cáo tài chính năm 2024, việc bán tín chỉ carbon mang về 2,76 tỷ USD cho Tesla, tăng 54% so với 2023. Mức tăng báo hiệu nhu cầu liên tục về loại hàng hóa này trong bối cảnh các nhà sản xuất xe xăng đang vật lộn để đáp ứng quy định khí thải ngày càng siết chặt.

Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch tham gia sân chơi mới, quy mô hàng tỷ USD
Tesla thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ bán tín chỉ carbon (Ảnh: VietnamNet)

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Theo lộ trình giảm thải với phương tiện giao thông của Liên minh châu Âu (EU), từ năm 2025, mức phát thải carbon từ ô tô phải giảm gần 24% so với giai đoạn 2019-2023, xuống 93,6g CO2 trên mỗi km.

Trong 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla), có 9 nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn này, theo chuyên trang Carbon Credits. BMW, Kia, Stellantis cần cắt giảm 9–11%. Trong đó, các xe Volkswagen và Ford cách ngưỡng quy định xa nhất, ở mức 21%. Ông Luca De Meo, Tổng Giám đốc Renault ước tính quy định này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu thiệt hại 15 tỷ euro (tương đương 15,6 tỷ USD).

Mua tín chỉ carbon là một giải pháp khi không đáp ứng được quy định giảm thải. Điều này giúp bên bán tín chỉ, chủ yếu là 2 nhà sản xuất xe điện Tesla và Polestar, đạt thêm lợi ích kinh tế bên cạnh môi trường.

Trong khi các nhà sản xuất xe xăng, hybrid phải mua tín chỉ, Tesla tạo ra loại hàng hóa này bằng cách bán xe không phát thải, với biên lợi nhuận tối đa do không tốn chi phí sản xuất. Kể từ 2017, tổng thu nhập của hãng xe điện Mỹ từ các giao dịch tín chỉ tăng vọt lên hơn 10,4 tỷ USD.

Các nhà sản xuất ôtô Stellantis, Toyota, Ford, Mazda và Subaru đang tham gia vào nhóm mua của Tesla. Trong khi đó, Mercedes hợp tác với Polestar, Volvo Cars và Smart. Các liên minh này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng vào giao dịch tín chỉ carbon để thu hẹp khoảng cách giữa lượng khí thải hiện tại và mức quy định, phản ánh những thách thức lớn hơn trong quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững.

VinFast và kế hoạch khai phá thị trường tín chỉ carbon

Năm 2023, ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinFast cho biết công ty sẽ tập trung năng lượng xanh, không “đương đầu” với Tesla về mục tiêu tương lai và khả năng bán tín chỉ carbon.

“Chúng tôi chưa có lợi thế để bán tín chỉ carbon. Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon sẽ là cơ hội lớn. Đầu năm 2019, chúng tôi đã có báo cáo về ESG trong đó carbon rất khó để tích trữ. Chúng tôi tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính”, ông Donovan Carroll cho biết.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (VIC), ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì tín chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành tín chỉ carbon trong thời gian tới?".

Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".

Mới đây nhất, ngày 22/1 vừa qua, V-GREEN - công ty phát triển trạm sạc của Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập đã ký thỏa thuận với công ty năng lượng xanh eTreego (Đài Loan) về việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast.

Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch tham gia sân chơi mới, quy mô hàng tỷ USD
V-GREEN hé lộ kế hoạch xây dựng đề án Chứng nhận tín chỉ Carbon cho trạm sạc của mình (Ảnh: Vingroup)

Cụ thể, V-GREEN và eTreego sẽ hướng tới việc triển khai 100.000 cổng sạc tại 3 thị trường trọng điểm trong khu vực là Indonesia, Philippines và Việt Nam, từ nay đến năm 2030.

V-GREEN tuyên bố, một trong các mục tiêu của thỏa thuận nhằm thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh khác, trong đó có xây dựng đề án Chứng nhận tín chỉ carbon cho trạm sạc của mình.

>> Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chốt 'khách sộp', triển khai 100.000 cổng sạc độc quyền cho VinFast tại 3 quốc gia

VinFast sắp tung 2 mẫu xe điện 'vừa túi tiền' vào thị trường Mỹ

Ngày 20/1, Indonesia bắt đầu bán tín chỉ carbon cho khách hàng quốc tế, VinFast có cơ hội thu hàng tỷ USD?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cong-ty-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-len-ke-hoach-tham-gia-san-choi-moi-quy-mo-hang-ty-usd-274632.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch tham gia sân chơi mới, quy mô hàng tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH