Cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam được ví "nóc nhà biên cương" nằm ở độ cao gần 3.000m, được lát bằng đá hoa cương, hiểm trở bậc nhất trên đường biên giới Việt - Trung
Đặt tại cao độ gần 3.000m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San (Lai Châu), cột mốc số 79 được coi là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam.
Từ Bắc vào Nam, từ miền sơn cước Tây Bắc tới đồng bằng phía Nam, cả nước ta có 8 cột mốc được đánh giá là tiêu biểu trên các tuyến biên giới. Trong đó, nhiều mốc rất nổi tiếng, là điểm đến không thể bỏ qua như mốc 0 A Pa Chải - khởi đầu của đường biên giới trên bộ Việt - Trung, mốc 1378 - mốc cuối cùng của đường biên giới trên bộ Việt - Trung, nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hay cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương nằm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum…
Cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam
Tỉnh Lai Châu là địa phương duy nhất trên cả nước nắm giữ 2 trong số 8 mốc tiêu biểu nói trên gồm: cột mốc số 42 và số 79. Trong đó, cột mốc biên giới số 79 được mệnh danh “nóc nhà biên cương”, nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt - Trung, giữ nhiệm vụ phân chia biên giới giữa tỉnh Lai Châu, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Do nằm trên đỉnh Khang Su Văn - đỉnh núi 3.012 mét, cao thứ 5 Việt Nam, có vị trí đặc biệt trên tuyến biên giới trọng điểm, đường sá đi lại còn rất nhiều khó khăn nên so với các mốc tiêu biểu cùng xếp hạng, mốc 79 được ít người biết đến nhất.
Theo đó, cột mốc 79 được cắm từ năm 2004 trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Khang Su Văn (hay còn gọi là Phàn Liên San), ở tọa độ 22˚45'14,145" vĩ độ Bắc - 103˚26'08,476" kinh độ Đông. Mốc giới số 79 là mốc đơn loại nhỏ, được đặt trên rìa núi hẹp nhưng đủ bằng phẳng, xung quanh có hàng rào thép gai bảo vệ. Mốc làm bằng đá hoa cương, có hai mặt tiếng Việt – tiếng Trung.
Để lên được cột mốc này, bạn sẽ phải đi tới thị trấn Sapa (Lào Cai), tiếp đó, đổi sang xe 16 chỗ đi thêm 70km tới thành phố Lai Châu, khu vực đô thị cuối cùng của hành trình. Từ thành phố Lai Châu, di chuyển tiếp khoảng 55km tới chợ phiên Dào San nổi tiếng - tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ (Lai Châu). Từ chợ Dào San, cần đi tiếp 16km nữa để tới UBND xã Pa Vây Sử - huyện Phong Thổ và đi bộ thêm 1km xuyên qua Pa Xơ - bản làng cuối cùng để tới được bìa rừng. Từ đây, bạn sẽ bắt đầu hơn 11km trèo đèo, lội suối để tới được mốc biên giới số 79 trên đỉnh Khang Su Văn.
Cột mốc khó khăn nhất
Mặc dù chỉ kém hơn 23m so với mốc 79 nhưng mốc 42 (cùng tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc) lại nổi tiếng nhất vì sự khó khăn vất vả và hành trình tuần tra ở mốc 42 kéo dài đến 3 ngày 2 đêm…
Mốc quốc giới 42 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng bê tông, cắm ngày 8/10/2008 trên đỉnh núi Phu Xì Lùng, tại vị trí có tọa độ 22˚37'19,438" vĩ độ Bắc - 102˚48'59,098" kinh độ Đông. Mốc quốc giới 42 phân định đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Phía Việt Nam là Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Phía Trung Quốc là các bản Lọ Lỳ Trồ, Tà Trí, Tung Ri Lèng thuộc hương Mãnh Kiều, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam.
Mốc 42 do đồn biên phòng Pa Vệ Sủ quản lý. Tính từ trung tâm xã Pa Vệ Sủ, đi bằng xe máy khoảng 3 giờ đồng hồ qua những con đường chênh vênh trên sườn núi mới đến được bản Sín Chải A, rồi từ đây phải bỏ lại xe máy, tiếp tục tìm đường băng rừng già, lội suối sâu, vượt núi cao, hết hai ngày trời mới đến được mốc 42.
Những cột mốc "1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy"
Việt Nam hiện đang có 2 cột mốc ở ngã ba biên giới. Đầu tiên phải kể đến A Pa Chải thuộc địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là điểm cực Tây Tổ quốc – nơi đây cũng cửa ngõ biên giới của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Cột mốc biên giới số 0 A Pa Chải là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào. Cột mốc có 3 mặt, hướng về mỗi nước tương ứng.
Cột mốc thứ hai nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia, thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cột mốc được xây dựng nằm trên ngọn đồi cao 1.086 m tại xã Bờ Y, cách ngã ba Đông Dương khoảng 3 km, cách thị xã Plei Kần, huyện Ngọc Hồi khoảng 14 km.
Cột mốc làm bằng đá hoa cương, nặng 900 kg, có hình trụ tam giác. Trên cột mốc có 3 mặt, mỗi mặt thể hiện tên và quốc huy của Việt Nam, Campuchia, Lào. Mặt phía Việt Nam thuộc địa phận tỉnh Kon Tum; mặt phía Campuchia thuộc địa phận tỉnh Ratanakiri; mặt phía Lào thuộc địa phận Attapư.
Cột mốc cuối cùng của biên giới Việt – Trung
Nếu cột mốc số 0 A Pa Chải là khởi đầu của đường biên giới Việt – Trung thì 1378 là cột mốc cuối cùng. Cột mốc này có vị trí đặc biệt khi nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Xung quanh là nước, cột mốc được xây thành hình trụ khá cao để không bị chìm khi thủy triều lên. Trên đỉnh của mốc trụ là một cột mốc đá hoa cương theo đúng hình mẫu của các cột mốc khác trên đất liền, cũng có hai mặt, mỗi bên đánh số và tên quốc gia.