Trong khi nhiều công ty chứng khoán như VND, VCBS, ACBS,... vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022, một vài ý kiến của nhà quản lý trên thị trường vẫn bày tỏ quan ngại về các tác động xấu lên thị trường trong cùng thời điểm.
Tính đến ngày 30/6/2022, VN-Index giảm còn 1.197,6 điểm (-20,07% so với cuối năm 2021); vốn hóa thị trường cổ phiếu là 6,25 triệu tỷ đồng - giảm 19,53%. Giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2022 là 17.553,26 tỷ đồng/phiên - giảm 33,96% so với bình quân năm 2021.
Tại báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tiếp tục giữ nguyên dự báo đã đưa ra từ đầu năm về VN-Index với mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số là 1.580 điểm - tương đương tăng khoảng 6% so với mức đỉnh năm 2021.
Tuy nhiên, VCBS có điều chỉnh dự báo về thanh khoản thị trường. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo giảm từ 18 - 20% so với năm 2021 và đạt bình quân khoảng 800 - 820 triệu cổ phiếu/phiên; giá trị giao dịch trung bình phiên giảm khoảng 15% so với năm 2021, đạt khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng.
Bên cạnh VCBS, không ít tổ chức đã đưa ra các đánh giá tích cực về thị tường chứng khoán nửa cuối năm 2022. Chẳng hạn, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, với những yếu tố như hoạt động bán tháo do giải chấp kết thúc, các chương trình hỗ trợ kinh tế của Chính phủ được triển khai tích cực, đặc biệt là tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay.
Trong khi đó, theo các kịch bản của Công ty Chứng khoán ACB, VN-Index có khả năng sẽ đạt 1.450 điểm khi kết thúc năm 2022.
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) thì đưa ra 2 kịch bản: Ở kịch bản cơ sở, VN-Index là 1.330 điểm còn kịch bản tích cực là 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2022.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) duy trì dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX ở mức 15,1%. Cùng với đó, công ty này điều chỉnh giảm mạnh P/E mục tiêu 2022 của thị trường từ 16,5 lần (đưa ra trong báo cáo chiến lược đầu năm 2022) xuống 14,3 lần do lo ngại về các rủi ro gia tăng liên quan đến suy thoái kinh tế Mỹ - tương ứng với mức 1.418 điểm cho VN-Index đến cuối năm.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2022 và quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm. Dù vậy, lạm phát và chính sách lãi suất là 2 rủi ro chính cần theo dõi trong nửa cuối năm.
Chuyên gia nói gì về triển vọng thị tường nửa cuối năm?
Theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, áp lực lạm phát trong nước gia tăng (có những dự báo năm 2022 khoảng 3,8-4,2%) khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng đã thu hút bớt dòng tiền quay lại ngân hàng thay vì đổ vào thị trường chứng khoán. Sản xuất, kinh doanh hồi phục, dòng tiền cũng sẽ rút bớt khỏi thị trường chứng khoán để chảy về kênh đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Những yếu tố nêu trên dự báo sẽ khiến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022 khó có thể hồi phục tăng trưởng nhanh như thời gian trước. Bà Bình nhận định, VN-Index trong nửa cuối năm 2022 có thể quay về mốc 1.100 điểm.
Rủi ro trên thị trường chứng khoán hiện nay vẫn còn đáng kể bởi hiện tượng sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức (cho vay ký quỹ margin), đầu cơ, tâm lý đám đông... song theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cổ phiếu cơ bản vẫn là kênh đầu tư tích cực, tiếp đến bất động sản, trái phiếu, tiền gửi. Điều quan trọng là các nhà đầu tư cần xác định và thực hiện tốt quản lý rủi ro, có chiến lược đầu tư thích hợp, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ hội sinh lời và rủi ro đan xen, nhà đầu tư nên lựa chọn nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ (mô hình và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ít chịu sự tác động của các yếu tố biến động kinh tế) để đầu tư (điện, nước, hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm, bảo hiểm). Tuy nhiên, cần chọn cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ổn định, tỷ lệ thâm dụng vốn, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp.
Ngoài đầu tư cổ phiếu phòng thủ, theo bà Trần Khánh Hiền, nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược đầu tư phòng thủ mang tính linh hoạt và nguyên tắc thực hiện chiến lược đầu tư phòng thủ vẫn cần tuân thủ những kỷ luật đầu tư nhất định, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Kinh nghiệm đầu tư phái sinh
Ông Lê Công Hội - một nhà đầu tư chứng khoán phái sinh có nhiều kinh nghiệm chia sẻ: "Khi đầu tư chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư cần dự liệu tình huống giao dịch có các mốc hỗ trợ để mở lệnh, đóng lệnh, phân bổ tỷ lệ lệnh hợp lý, chỉ tăng lệnh khi có lãi. Cần tuân thủ nguyên tắc đầu tư độc lập, quản lý cảm xúc tốt, tuyệt đối không vào lệnh theo cảm tính, không bị cuốn theo tâm lý thị trường do chứng khoán phái sinh biến động nhanh, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, nếu vào lệnh sai sẽ dẫn đến thua lỗ lớn.
Chứng khoán tháng 11 - Tín hiệu giao thoa của rủi ro
VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024