Doanh nghiệp

Cuộc chiến giành miếng bánh 5 tỷ USD: Doanh nghiệp bưu chính đối đầu sàn TMĐT

Huy Hoàng 14/08/2024 - 20:00

Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính tại Việt Nam đạt 33.790 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,1% kế hoạch năm 2024. Tổng sản lượng đạt 1,525 tỷ bưu gửi, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 46,9% kế hoạch năm 2024.

Theo Vietdata, thị trường bưu chính Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, với gần 800 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính. Các doanh nghiệp lớn như Best Express, EMS, GHN, GHTK, J&T, Flex Speed, Nin Sing, Viettel Post, VNPost và SPX Express... đã tạo ra cuộc chiến khốc liệt về giá cước, chương trình miễn cước vận chuyển và khuyến mại, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của ngành chỉ khoảng 3%.

Cuộc chiến giành miếng bánh 5 tỷ USD: Doanh nghiệp bưu chính đối đầu sàn TMĐT
Thị trường tiềm năng trị giá gần 5 tỷ USD đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt

Đặc biệt, sự cạnh tranh của thị trường càng trở nên khốc liệt hơn khi các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lập đơn vị chuyển phát riêng, độc quyền chuyển phát hàng hóa từ người bán tới người mua, như Tiktok Shop, Shopee…

Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu và sản lượng chuyển phát cho TMĐT năm 2023 lần lượt chiếm tỷ trọng 49% và 73% toàn ngành bưu chính. Như vậy, “chiến trường” của bưu chính chuyển phát sẽ diễn ra trên sàn TMĐT.

Các doanh nghiệp chuyển phát truyền thống cho rằng, cuộc cạnh tranh về cước dịch vụ bưu chính đang diễn ra khốc liệt có một phần nguyên nhân từ các quy định của Luật Bưu chính 2010, với các điều kiện khá “mở” đối với việc cấp phép kinh doanh. Chẳng hạn, Luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát TMĐT…

Cuộc chiến giành miếng bánh 5 tỷ USD: Doanh nghiệp bưu chính đối đầu sàn TMĐT
Các doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn trên thị trường chuyển phát

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc VNPost, thị phần chuyển phát phục vụ TMĐT đã chiếm 70-80% toàn thị trường. Đồng thời, các sàn cũng xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận, thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính. Theo đó, ông Lê Quốc Anh đề xuất, trong kỳ sửa đổi bổ sung Luật Bưu chính 2010 tới đây, cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ TMĐT (bao gồm TMĐT xuyên biên giới), hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn TMĐT.

Đồng quan điểm, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, đề xuất bổ sung các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp bưu chính chuyển phát TMĐT, như vốn điều lệ tối thiểu và biện pháp đảm bảo thanh toán, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường cạnh tranh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp chuyển phát trong nước bị thâu tóm nếu không có biện pháp kiểm soát giá dịch vụ hợp lý. Hiệp hội đề nghị cần có quy định quản lý toàn diện hoạt động TMĐT, đặt giá sàn cho sản phẩm bưu chính quan trọng và cho phép người tiêu dùng tự chọn đơn vị vận chuyển trên các nền tảng TMĐT.

>>So găng thị phần chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp Việt và đối thủ ngoại

‘Nối gót’ Viettel Post (VTP), cổ phiếu ‘ông lớn’ chuyển phát nhanh EMS bật tăng 76%

Vietnam Post bị mã độc tấn công, gây gián đoạn hoạt động chuyển phát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-chien-gianh-mieng-banh-5-ty-usd-doanh-nghiep-buu-chinh-doi-dau-san-tmdt-245355.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cuộc chiến giành miếng bánh 5 tỷ USD: Doanh nghiệp bưu chính đối đầu sàn TMĐT
POWERED BY ONECMS & INTECH