So găng thị phần chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp Việt và đối thủ ngoại
Hai cánh chim đầu đàn là Viettel Post và Vietnam Post đang nỗ lực cạnh tranh với các đại gia chuyển phát nước ngoài nhằm giành lại thị phần trị giá hàng tỷ USD.
Trong quá trình tăng trưởng, thương mại điện tử kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực liên quan, như thanh toán điện tử, các doanh nghiệp hỗ trợ và đặc biệt là chuyển phát nhanh. Từ chỗ giao nhận hàng qua bưu cục, người mua và người bán online ngày nay đều đã quen với hình thức giao nhận tại nhà - door to door. Do vậy, ngày càng nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực chuyển phát, đầu tư các trung tâm phân phối quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí giao hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển phát nhanh Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc những năm gần đây. Ngành này cũng được đánh giá thuộc top đầu khu vực và còn tăng tốc trong 10-20 năm nữa.
Doanh nghiệp Việt chỉ giữ 30% thị phần
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính năm 2022 đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Viettel Post và VietnamPost hiện vẫn là 2 “cánh chim đầu đàn” của thị trường chuyển phát.
VietnamPost là thương hiệu có doanh thu dẫn đầu thị trường chuyển phát nhanh. Doanh thu có sự dao động nhẹ qua các năm quanh 24.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu đạt gần 24.500 tỷ đồng, giảm 0,9% so với năm 2021 và tăng gần 2% so với năm 2020.
Xét về lợi nhuận sau thuế, mặc dù không đứng đầu thị trường nhưng lợi nhuận vẫn thuộc top đầu. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế luôn ghi nhận mức dương và đạt hàng trăm tỷ mỗi năm. Năm 2020, lợi nhuận đạt gần 380 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này tăng lên hơn 50% so vào năm 2021 và giảm hơn 46% vào năm 2022, đạt gần 310 tỷ đồng.
Viettel Post là một công ty con trực thuộc tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với mạng lưới rộng khắp trên cả nước. Viettel Post sở hữu mạng lưới hơn 2.000 bưu cục cửa hàng, hơn 2000 đại lý thu gom, gần 40 nghìn CBNV chuyên nghiệp, 3.000 xe tải các loại hoạt động 24/24. Doanh thu Viettel Post đứng thứ hai trong thị trường chuyển phát nhanh. Doanh thu tăng nhẹ trong hai năm 2021 và 2022.
Năm 2021, doanh thu đạt gần 18.700 tỷ đồng. Doanh thu năm 2022 của Viettel Post tăng 100 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế có sự giảm nhẹ trong hai năm. Cụ thể, năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt gần 300 tỷ đồng. Đến năm 2022, lợi nhuận giảm 14% và ghi nhận lợi nhuận 250 tỷ đồng.
EMS là một trong các hãng chuyển phát nhanh uy tín có tuổi đời lâu năm nhất ở Việt Nam, hoạt động từ ngày 01/01/2006. EMS là thương hiệu dịch vụ chuyển phát toàn cầu của liên minh bưu chính thế giới UPU, hiện đang được khai thác bởi bưu chính của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Doanh thu của EMS cũng có sự dao động trong 3 năm. Năm 2020, doanh thu đạt hơn 1.900 tỷ đồng. Doanh thu tăng lên 30% vào năm 2021 và giảm 10% vào năm 2022, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Về lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận của EMS đạt hơn 70 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 5% so với năm 2021 và 25% so với năm 2020.
Nhóm các startup nội địa như Giao hàng tiết kiệm, Nhất Tín Logistics, GHN (Fast Delivery)... không có thế mạnh về mạng lưới nhưng có lợi thế công nghệ và hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư, để phát triển nhanh họ sẵn sàng chịu lỗ vài năm để giành thị phần.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm giữ hơn 60% thị phần thị trường chuyển phát, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 30% thị phần.
DHL là hãng vận chuyển giao hàng nhanh quốc tế đầu tiên bước vào thị trường Việt Nam. Năm 2022, doanh thu của DHL đạt gần 8.200 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2021 và tăng 62% so với năm 2020. Mặc dù doanh thu không thuộc top đầu nhưng lợi nhuận năm 2022 của DHL đứng đầu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, đạt hơn 880 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và tăng hơn 180% so với năm 2020.
J&T Express được thành lập vào năm 2015 tại Indonesia và có mặt tại thị trường Việt Nam vào tháng 7/2018. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, doanh thu của J&T ghi nhận tăng liên tục. Năm 2022, doanh thu đạt hơn 4.100 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2021 và tăng 71% so với năm 2020. Mặc dù doanh thu thuộc top giữa trong thị trường nhưng lợi nhuận của J&T ghi nhận mức lỗ rất cao. Lợi nhuận năm 2020 ghi nhận mức lỗ hơn 490 tỷ đồng. Mức lỗ này tăng lên âm 600 tỷ đồng năm 2021 và giảm lỗ 20% vào năm 2022, đạt mức âm gần 480 tỷ đồng.
Mặc dù tới sau, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài đã nhanh chóng mở rộng thị trường bằng mô hình nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, thậm chí áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để giành thị phần... họ đã áp đảo thị trường bằng thị phần và giá, buộc các doanh nghiệp nội địa như Vietnam Post, Viettel Post cũng phải giảm giá dịch vụ 10 - 15%.
“Át chủ bài” của doanh nghiệp Việt
Năm 2023, “cuộc chiến” giành đơn hàng giữa các doanh nghiệp chuyển phát trong nước và khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục. Doanh nghiệp nào có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn sẽ chiếm ưu thế lớn. Vì vậy, làm chủ hệ thống giao hàng tốc độ cao sẽ là “át chủ bài” của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Trung Thành cho biết, Viettel Post phải thiết kế, quy hoạch lại hạ tầng mạng lưới đầu tư cả phần cứng, phần mềm và hệ thống quy trình, như hệ thống chia chọn hàng hóa tự động... Doanh nghiệp sẽ xây dựng các trung tâm kho bãi lớn tại các địa phương và khoảng 1.500 bưu cục.
Xác định kết nối mạng lưới là yếu tố quan trọng để rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển, Vietnam Post cũng tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ và hệ thống hạ tầng hiện đại.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Vụ Bưu chính kiến nghị các bộ, ban, ngành tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ doanh nhiệp chuyển phát, logistics, thương mại điện tử trong nước về chính sách kinh doanh, ưu đãi đầu tư hạ tầng… Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước được ưu tiên giao, thuê, mua các vị trí đất làm kho bãi, hạ tầng chuyển phát, logistics, thương mại điện tử tại các vị trí địa lý trọng yếu về an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và cần có quy hoạch hạ tầng logistics tại các vị trí này trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật bưu chính, thương mại điện tử, thuế, cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và thế giới. Các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu quy định một mức giá sàn cho một số sản phẩm bưu chính quan trọng, phổ biến, tránh việc các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng bán dưới giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Xe tải chở bưu phẩm chuyển phát nhanh bốc cháy trên cao tốc ở Quảng Ngãi
THACO AUTO vừa bàn giao lô xe tải cho hãng chuyển phát nhanh số 1 Đông Nam Á