Cuộc 'chinh phạt' của 'ông trùm' bất động sản Kinh Bắc với dự án 5.570 tỷ tại Hậu Giang liệu có thành công?
Quyết định này được xem là một trong những bước đi khai phá các “miền đất mới”, khi mà quỹ đất công nghiệp của Kinh Bắc đã gần như đã lấp đầy.
Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã công bố quyết định đầu tư và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Hậu 2.
Dự án có quy mô khoảng 380 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất. Tổng vốn đầu tư cho dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 là gần 5.570 tỷ đồng. Trong đó, 3442 tỷ đồng được phân bổ cho chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, còn lại hơn 2.128 tỷ đồng là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, Kinh Bắc cho hay, 835 tỷ đồng (tương đương 15% tổng vốn) sẽ được lấy từ vốn chủ sở hữu, còn lại 4.734 tỷ đồng (tương đương 85% tổng vốn) sẽ được huy động từ vốn vay.
Khu công nghiệp Sông Hậu 2 gắn với nhu cầu cấp thiết mở rộng quỹ đất mới?
Về tiến độ thực hiện, Kinh Bắc dự kiến thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong vòng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12/2023. Tiếp theo, các khâu đo đạc; khảo sát địa chất; kiểm đếm, lập và phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được triển khai trong khoảng 9 tháng kể từ ngày được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, từ tháng 1/2024 đến tháng 9/2025.
Sau khi hoàn tất các khâu nói trên, dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 dự kiến được thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật từ tháng 7/2025 - 12/2026. Như vậy, sẽ mất khoảng hơn 2 năm để đưa Khu công nghiệp Sông Hậu 2 vào kinh doanh.
Với vị thế là một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay, tính tới cuối năm 2022, Kinh Bắc đang sở hữu hơn 6.387 ha đất công nghiệp, chiếm 5,2% quỹ đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 22,5% so với năm 2021.
Đáng nói, theo báo cáo thường niên năm 2022, các dự án khu công nghiệp mà Kinh Bắc đang vận hành gần như đã được lấp đầy. Cụ thể, có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.013 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100% và một khu có diện tích 426 ha đã lấp đầy 95,89%. Trong bối cảnh đó, mở rộng quỹ đất được xem là một nhiệm vụ cấp thiết đối với doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, khi tin tức về dự án Hậu Giang vừa hé lộ, doanh nghiệp này đã nhận về không ít nghi ngại. Bởi lẽ trên thực tế, doanh nghiệp vẫn đang còn "siêu" dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát (Hải Phòng) 11.000 tỷ đồng” từ năm 2012 đến nay Kinh Bắc vẫn chưa thể khởi công, thậm chí đã bị UBND TP. Hải Phòng ra “tối hậu thư” thúc tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương cho hay, Kinh Bắc không đợi xong dự án này mới triển khai dự án mới mà chuẩn bị nguồn lực để thực hiện nhiều dự án. “Kinh Bắc nỗ lực để được làm các dự án nhanh, vì đồng tiền phải luân chuyển với tốc độ cao, nếu dự án này xong thì mới đến dự án khác thì mất hết cơ hội”, bà Hương khẳng định.
Lợi nhuận quý III “héo hon” vì chưa kịp bàn giao đất
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 247 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý III của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 18,5 tỷ đồng, “bay hơi” 99% so với khoản lãi “khủng” 1.925 tỷ ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về biến động lợi nhuận, theo Kinh Bắc, nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ, doanh nghiệp chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Linh, Quang Châu và Tân Phú Trung, với tổng diện tích 50ha đã ký. Doanh nghiệp này cũng nói thêm, tổng giá trị hợp đồng đã ký lên tới 1.700 tỷ đồng và dự kiến có thể bàn giao trong quý IV tới đây.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 4.798 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.087 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Như vậy, doanh nghiệp mới thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Điều này đồng nghĩa với việc, Kinh Bắc cần hoàn tất gần một nửa kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong quý 4 này nếu muốn hoàn thành mục tiêu.
Tính tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 33.747 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho gần như đi ngang, ghi nhận ở mức 12.258 tỷ đồng, chiếm 36% cơ cấu tài sản của Kinh Bắc.
Toàn bộ số này là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tập trung tại các dự án: Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát (hơn 8.098 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (gần 1.139 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (hơn 1.113 tỷ đồng), Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh (hơn 617 tỷ đồng),…
Cuối kỳ, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc đã giảm gần 20% so với số đầu năm, ghi nhận ở mức 13.684 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 3.868 tỷ đồng. Điểm sáng là kỳ này, nợ vay ngắn hạn đã giảm mạnh tới 85%, từ mức 3.951 tỷ đồng xuống còn 570 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc là 20.063 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 0,19 lần. Như vậy, doanh nghiệp vẫn đang duy trì được khoảng cách khá an toàn giữa vốn tự có và vốn vay.
Song, với giỏ hàng tồn kho đang khá đầy, lại "cõng" thêm một dự án "khủng" như khu công nghiệp Sông Hậu 2, liệu Kinh Bắc có đủ sức hoàn thành dự án hay không thì phải chờ những động thái của doanh nghiệp này trong tương lai.
Cú bắt tay tỷ USD của Tập đoàn nhà ông Trump - Đặng Thành Tâm, KBC có loạt biến động
Chủ tịch Đặng Thành Tâm đăng ký chuyển nhượng 86,5 triệu cổ phiếu Kinh Bắc (KBC)