Nhiều quốc gia trên thế giới cũng công bố những mục tiêu đầy tham vọng để không tụt hậu trong cuộc đua phát triển xe điện.
Doanh số bán ô tô điện toàn cầu tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022
Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân, các thương hiệu ô tô điện đã yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước khi muốn mua ô tô điện, trong đó một vài mẫu xe ô tô được yêu thích đã bán hết sản phẩm trong vòng 2 năm tới.
Trong báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2022, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá, rất ít lĩnh vực năng lượng sạch trên thế giới năng động như thị trường ô tô điện.
Báo cáo cho biết gần 10% doanh số bán ô tô trên toàn cầu năm 2021 là xe điện, tăng gấp 4 lần thị phần của năm 2019 và gấp đôi so với năm 2020, lên mức kỷ lục mới là 6,6 triệu xe.
Doanh số bán ô tô điện toàn cầu tiếp tục đà tăng mạnh vào năm 2022. Chỉ tính riêng quý đầu tiên của 2022, đã có 2 triệu chiếc được bán, tăng 75% so cùng kỳ năm trước đó.
Theo IEA, chính sách hỗ trợ của các chính phủ được coi là hành lang dẫn đường cho bất kỳ một ngành công nghiệp nào, xe điện cũng không ngoại lệ. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần các động cơ đốt trong hoặc có các mục tiêu "điện hóa" phương tiện đầy tham vọng trong những thập niên tới.
Cuộc đua sản xuất xe điện của các hãng ô tô truyền thống
Từ các tập đoàn sản xuất ô tô phổ thông, tầm trung như Toyota, Honda, Ford, GM,… đến các dòng xe sang hay siêu sang như Mercedes-Benz, Rolls-Royce hay Bentley,… đều dồn dập tiết lộ kế hoạch tăng cường sản xuất xe điện và khơi mào cuộc đua rót hàng chục tỉ đô la vào dòng xe này trong xu hướng di chuyển “xanh hóa” trên toàn cầu.
Vào tháng 4/2022, hãng sản xuất ô tô Honda của Nhật Bản đã công bố kế hoạch mới về việc phát triển xe điện (EV), với mục tiêu đến năm 2030 có thể giới thiệu ra thế giới 30 dòng xe này. Mục tiêu mới này của Honda đưa ra chỉ hơn 1 tháng, tập đoàn điện tử Sony cho biết đang hợp tác với nhà sản xuất ô tô này để thành lập một liên doanh nhằm phát triển và bán xe điện.
Không chỉ Honda, các công ty ô tô truyền thống khác đang đổ tiền vào phát triển xe điện và các nhà máy sản xuất pin. Các khoản đầu tư của họ được thúc đẩy bởi quy định ngày càng chặt chẽ về khí thải và sự vươn lên mạnh mẽ của hãng xe điện Tesla. Quá trình chuyển đổi này cũng đang tạo ra những cuộc đua mới trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi. Đồng thời, nó cũng làm tăng nhiệt các trận đối đầu kinh điển.
Trước Honda, ngày 2/3/2022, nhà sản xuất ô tô Ford Motor cho biết sẽ tăng đầu tư cho xe điện (EV) từ mức 30 tỉ đô la Mỹ trước đó lên 50 tỉ đô la cho đến năm 2026 và vận hành đơn vị EV tách biệt với mảng kinh doanh động cơ đốt trong, một động thái nhằm “đuổi kịp” người dẫn đầu Tesla Inc.
Toyota cũng có kế hoạch giới thiệu 30 mẫu xe điện vào năm 2030. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng cho biết họ có kế hoạch đầu tư 2.000 tỉ yên vào sản xuất pin vào năm 2030, tăng từ 1.500 tỉ yên mà hãng đã công bố trước đó. Khoản đầu tư này bao gồm 1,29 tỉ đô la cho một nhà máy pin mới ở Bắc Carolina, sẽ bắt đầu đi vào sản xuất năm 2025.
Trong khi đó, GM có kế hoạch đầu tư 35 tỉ đô la đến giữa thập kỷ này để giới thiệu 30 mẫu xe điện trên toàn cầu. Hãng đặt mục tiêu đến năm 2035 loại bỏ dần xe chạy xăng dầu tại các showroom.
Tuy nhiên, gây tiếng vang trên thế giới có thể kể đến hãng ô tô Việt đã công bố từ cuối năm 2022, VinFast sẽ trở thành hãng xe điện 100%, ngừng sản xuất xe xăng để chuyển sang sản xuất xe thuần điện.
Trong khi đó những thương hiệu ô tô sang hay xe siêu sang cũng không đứng ngoài cuộc của xu hướng chung toàn cầu này. Với kế hoạch sản xuất chiếc xe điện đầu tiên của mình vào năm 2025, nhà sản xuất ô tô hạng sang của Anh – Bentley sẽ đầu tư 3,4 tỉ đô la vào lĩnh vực này trong vòng 10 năm tới với dự định trở thành nhà sản xuất xe hoàn toàn chạy bằng điện vào năm 2030.
Mercedes cũng đang đặt cược vào EQE để thúc đẩy doanh số mảng xe điện, trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô hạng sang này đang chuyển hướng đầu tư từ xe chạy bằng động cơ đốt trong sang xe điện.
Rolls-Royce, thương hiệu thuộc sở hữu của BMW, cho biết chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của họ, có tên là Spectre, sẽ có mặt trên thị trường vào quý 4/2023.
Và nhà sản xuất ô tô hạng sang Rolls-Royce thông báo tới năm 2030, hãng sẽ chỉ sản xuất ô tô điện. Động thái trên của Rolls-Royce hòa cùng các thương hiệu ôtô cao cấp khác trên toàn cầu như Bentley của Volkswagen và Land Rover của Jaguar trong nỗ lực chuyển sang sản xuất ô tô chạy điện.
Động lực từ các chính phủ giúp ngành sản xuất xe điện
Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về doanh số bán xe điện trong năm 2022, khi chiếm một nửa mức tăng trưởng của toàn cầu. Động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ đến từ các khoản tài trợ "hào phóng".
Trung Quốc đã áp dụng chính sách miễn, giảm thuế, phí sử dụng xe điện, cụ thể miễn thuế 5% cho các loại xe "thuần" điện, xe Plug-in Hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện.
Là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 tại châu Á, Thái Lan bắt đầu đưa ra chính sách thúc đẩy sản xuất xe năng lượng sạch từ năm 2017. Năm 2022, nước này tiếp tục tiến thêm một bước nữa khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống 2% và thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc chỉ từ 0 - 40% cho tới năm sau. Mỗi chiếc xe điện sản xuất trong nước bán ra cũng sẽ được trợ cấp tối đa 150.000 Baht, tương đương khoảng 4.600 USD.
Indonesia cũng đang rất chú trọng việc thu hút nguồn đầu tư vào xe điện. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất quốc tế, nước này đã đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với sản xuất xe điện, pin, động cơ điện và bộ điều khiển điện.
Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực khuyến khích người dân chuyển từ ô tô xăng truyền thống sang xe điện. Người vay mua ô tô xanh sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn 1 điểm % so với vay mua xe xăng.
Chủ xe điện cũng sẽ được nhận nhiều ưu đãi về thuế và phí, như giảm và hoàn một phần phí đăng ký phương tiện mới với xe chạy hoàn toàn bằng điện, có thể lên đến 45.000 đô la Singapore mỗi xe; giảm thuế đường bộ với xe điện và lai xăng điện.
Đáng chú ý trong năm 2022 tại Mỹ là sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt bút ký Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, với một trong những nội dung chính là cấp hàng tỷ USD nguồn vốn tài trợ mới cho hoạt động sản xuất xe điện nội địa.
Ngoài ra, để khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chuyển đổi sang xe chạy điện, Luật Giảm lạm phát cho phép trợ cấp cho mỗi người mua ô tô điện mới số tiền là 7.500 USD; miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường xe điện lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và châu Âu, tuy nhiên doanh số bán xe tại Mỹ vẫn thấp hơn khá nhiều, ước tính chiếm 1/4 so với Trung Quốc, theo IEA.