Nhà đầu tư, đặc biệt là các F0 nên tự bảo vệ mình trước những cổ phiếu, doanh nghiệp và lãnh đạo không minh bạch thông tin, nhất là sau vụ của Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết.
"Lò luyện" vốn FLC: Vốn hóa bay hơi, NĐT cháy tài khoản
Kết phiên giao dịch cuối tuần (14/1/2022), cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC (FLC) tiếp tục bị bán tháo và giá rớt hết biên độ xuống sàn còn 16.100 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp và là phiên nằm sàn thứ 3 của FLC sau khi Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết “bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu.
Theo quan sát, trong một tuần qua, thị giá của FLC đã giảm 6.450 đồng/cổ phiếu, với việc doanh nghiệp này có 709.997.807 cổ phiếu đang lưu hành thì vốn hóa thị trường đã bị thổi bay trên 4.579 tỷ đồng.
“Người anh em” của FLC là CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) cùng chịu chung cảnh ngộ “nằm sàn”. ROS giảm kịch biên độ phiên thứ 5 liên tiếp về 11.250 đồng/cổ phiếu với dư bán tới hơn 88 triệu cổ phiếu. Vốn hóa thị trường giảm 2.696 tỷ đồng trong vòng 1 tuần.
Không chỉ có FLC, ROS, các công ty khác trong hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết đều đua nhau lao dốc gồm: CTCP Chứng khoán BOS (ART) giảm sàn 4 phiên liên tiếp, vốn hóa trong vòng 1 tuần giảm hơn 6.687 tỷ đồng; CTCP Nông dược HAI (HAI) cũng giảm kịch biên độ 4 phiên liên tục, vốn hóa giảm hơn 4.512 tỷ đồng;
4 phiên giảm kịch biên độ đã khiến vốn hóa thị trường của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) bay hơi hơn 4.234 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) cũng giảm hơn 5.621 tỷ đồng.
Như vậy, trong tuần giao dịch từ 10 - 14/1/2022, vốn hóa thị trường của các cổ phiếu “họ” FLC đã bị thổi bay tới trên 28.000 tỷ đồng.
Làm sao để thoát được hàng FLC những ngày này?
Trước đó, vào tối 11/1, Bộ Tài chính đã ra quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC). Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.
Cũng trong ngày 11/1, HOSE đã có thông báo chính thức về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, do không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Được biết, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Tuy nhiên trên thực tế, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Quyết giao dịch mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định.
Kinh nghiệm để đời cho nhà đầu tư
Mạng xã hội và các diễn đàn chứng khoán những ngày qua tràn ngập status liên quan đến vụ việc. Có nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC than rằng: “Mới lướt sóng vài phiên mất toi mấy tháng lương”; Người thì than: “Anh Q đạp đổ hết nồi bánh chưng của F0 rồi”; người khác nói kháy: “Đợt này, cổ đông FLC lại xa bờ 10 năm nữa rồi!”.
Trong khi đó, những người đứng ngoài cuộc thì bày tỏ: “Biết FLC gian dối mà nhà đầu tư cứ lao vào, cớ sao lại chửi Chủ tịch”, “Bài cũ diễn đi diễn lại mà vẫn lùa được ‘gà’”.
Tại sao? Câu trả lời nhận được là: “Ăn bằng lần, ai chẳng ham”, “Kéo từ 4.000 - 5.000 lên 20.000 - 21.000, khối người đổi từ ‘mẹc’ sang ‘lam’ rồi. Tham còn kêu gì”, “Tham thì chết thôi, trách ai bây giờ”.
Một số bình luận cho rằng: “Cá mập chốt lời, bình thường thôi. Mình không chốt sớm là do mình” hay “Nhà đầu tư mới luôn lì cho đến khi thị trường vả mạnh vào mặt... ai nói thì cũng kệ...”.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư khẳng định: “Không bao giờ đụng đến FLC”, “Sau vụ 2017, tôi không tin và chơi với anh nữa. Là nhà đầu tư thì nên tránh các ông chủ không đáng tin cậy ra”.
Có thể nói, thời gian qua (năm 2021), rất nhiều nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm không kiếm được lợi nhuận trong khi nhà đầu tư ít kinh nghiệm hơn lại thắng lớn. Nhưng qua những vụ việc như thế mới thấy đầu tư vào các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thông tin minh bạch,… vẫn an tâm hơn.
Nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư mới nên tự bảo vệ trước những cổ phiếu, doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp không minh bạch thông tin.
Nếu đầu cơ, nhà đầu tư phải có nguyên tắc. Theo các chuyên gia, tỷ trọng đầu tư mạo hiểm chỉ nên dưới 30% và nên chốt lãi sớm. Thêm vào đó, nhà đầu tư không nên tắm 2 lần trên 1 dòng sông.
Khi gặp trường hợp người đứng đầu bán ra phần lớn cổ phiếu nhưng không phải bán cho đối tác chiến lược mà là bán cho nhà đầu tư cá nhân thì tương lai của doanh nghiệp và cổ phiếu đó chắc chắn không sáng sủa, nhà đầu tư nên tiến hành cắt lỗ sớm.
Cuối cùng, nếu đầu cơ bị mất tiền, nhà đầu tư hãy tự trách bản thân đầu tiên thay vì trách người khác. Liệu chúng ta có quá tham, quá vụ lợi khi nghe ngóng, tham gia vào đủ thứ room để được phím hàng trong khi việc quan trọng hơn là phải học hỏi, nâng tầm tri thức.