Đa dạng hoá nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

21-07-2023 07:15|Diễm Ngọc

Theo TS. Cấn Văn Lực, các DNNVV nên đa dạng hóa nguồn vốn, tìm hiểu thêm về các sản phẩm như cho thuê tài chính, tài trợ cho cung ứng huy động vốn trên nền tảng công nghệ và một số giải pháp khác.

Nhìn từ quốc tế...

Chia sẻ tại hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đánh giá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ khoảng 97,5% trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp khoảng 40-41% GDP, khoảng 30% xuất khẩu và khoảng 77% việc làm trên thị trường lao động. Nếu so với khu vực Đông Nam Á hay châu Á, thì về cơ bản cũng tương đương về mức độ đóng góp này.

Thông thường, việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng khó hơn cho khu vực DNNVV, do những yêu cầu về chuẩn mực tín dụng, doanh thu, tài sản đảm bảo, tính khả thi...

Tuy nhiên, theo số liệu của ASEAN, so với một số nước lân cận thì đóng góp của Việt Nam vẫn là tương đối thấp trong GDP, đơn cử như tại Indonesia, tính đến năm 2021, các DNNVV đóng góp khoảng 60%, vì vậy Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Câu hỏi đặt ra là, có phải doanh nghiệp Việt Nam bị thiếu vốn hay không? Qua khảo sát của ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đối với các thị trường mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khoảng 56% các DNNVV thiếu vốn, số liệu này cũng khớp với báo cáo của VCCI.

Nhìn từ quốc tế, các nguồn vốn phổ biến cho DNNVV trên thế giới tiếp cận gồm 5 hình thức cơ bản: Tín dụng; Tài trợ trên cơ sở tài sản đảm bảo khác (các khoản phải thu, cho thuê tài chính, bảo lãnh tín dụng); Nguồn vốn thay thế trực tuyến; Vốn tự có; và Huy động từ thị trường chứng khoán.

Thông thường, việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng khó hơn cho khu vực DNNVV, do những yêu cầu về chuẩn mực tín dụng, doanh thu, tài sản đảm bảo, tính khả thi và hiệu quả của các phương án, cũng như khẩu vị rủi ro của bản thân tổ chức tín dụng (TCTD). Do đó, các nước thường có những biện pháp riêng hỗ trợ khu vực này thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, hay lập ngân hàng chuyên biệt cho DNNVV, điển hình là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... đã làm rất hiệu quả.

Có thể thấy, giữa các nước có mức độ phát triển kinh tế khác nhau thì tiếp cận vốn cũng khác nhau, trong đó nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp còn rất khó khăn, thì nhóm thu nhập trung bình cao sẽ khá hơn. Hiện nay, Việt Nam cũng là đang là quốc gia ngấp nghé thu nhập trung bình cao.

Về quy mô tín dụng cho DNNVV tại ASEAN, Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 1/5 và các nước khác cũng ở khoảng đó, chứng tỏ Việt Nam đang ở mức trung bình khá về tiếp cận vốn từ kênh tín dụng.

“Ngoài ra, còn có các kênh dẫn vốn khác như cho thuê tài chính, thuê mua trả góp, tài trợ chuỗi cung ứng,... Tôi cho rằng, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu muốn chiết khấu bộ chứng từ thì nên làm qua kênh tài trợ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, vấn đề là hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính ở Việt Nam làm chưa tốt hoạt động này.

Hiện quy mô bao thanh toán cả năm chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD,  trong khi chúng ta có 400 tỷ USD xuất khẩu và 400 tỷ USD nhập khẩu, chứng tỏ hoạt động bao thanh toán vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa. Chúng tôi cũng đánh giá, vướng mắc lớn nhất là do quy định pháp luật và hiện chúng tôi đang tư vấn, tham mưu với Chính phủ để sắp tới sửa Luật các TCTD về vấn đề này”, ông Lực nói.

Phân tích thêm về các kênh tiếp cận vốn, vị chuyên gia cho biết còn có nhiều tổ chức phi ngân hàng cung ứng vốn, như công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, các quỹ đầu tư. Hiện Việt Nam có 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, 10 công ty cho thuê tài chính và 16 công ty tài chính tiêu dùng, nhưng tất cả những “món” này chỉ đóng góp 1-2% tổng dư nợ của nền kinh tế, còn lại 97-98% vẫn do khối ngân hàng cung cấp.

Đối với lĩnh vực tín dụng như vậy là quá bất cập bởi thông thường các công ty tài chính sẽ đóng góp khoảng 10-20% tổng dư nợ tín dụng. Tại Mỹ, con số này là 22%, Trung Quốc 10% còn riêng Việt Nam có rất nhiều dư địa nhưng không phát triển được.

Đối với kênh huy động vốn bằng vốn tự có, thì các nước khác đều rất phát triển, một số nước đã có mô hình hỗ trợ DNNVV như Ấn Độ, Nam Phi khi có sàn giao dịch vốn riêng cho các doanh nghiệp này.

“Riêng các kênh huy động trực tuyến như Fintech, cho vay ngang hàng (P2P), gọi vốn cộng đồng (Crowd Funding),... chúng tôi luôn mong muốn và ủng hộ các kênh này phát triển, vì nó góp phần làm đa dạng hóa, tạo ra những tiện lợi cũng như giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta phải đề phòng, cảnh giác với những trường hợp rủi ro, gian lận. Tại Việt nam gần đây vẫn xảy ra một số trường hợp gian lận trong lĩnh vực gọi vốn cộng đồng, vì vậy cần phải tìm những kênh chính thống, những đơn vị có uy tín để tiếp cận”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Đến Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện nay có 6 kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp đó là vốn từ ngân sách Nhà nước gồm vốn mồi; ưu đãi miễn, giảm thuế; chương trình phục hồi; quỹ phát triển doanh nghiệp địa phương; đầu tư công.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV

Tiếp đó là nguồn vốn từ đối tác cho doanh nghiệp trả chậm và tín dụng thương mại; đến vốn vay nước ngoài, IPO trên thị trường quốc tế, nhưng hoạt động này ở Việt Nam hiện rất ít. Cùng với đó có nguồn vốn tín dụng bảo lãnh, cho thuê tài chính; huy động vốn từ thị trường vốn như cổ phiếu, trái phiếu, các nền tảng công nghệ  và cuối cùng là vốn tự có, vốn góp.

Thời gian vừa qua, Việt Nam có rất nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ DNNVV nhưng chưa hỗ trợ được nhiều, vì vậy đã đến lúc phải tra soát lại, đánh giá những gì cần phải thúc đẩy, sửa đổi để làm tốt hơn. Sau khi có các quy định pháp luật cụ thể, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các Nghị định chi tiết hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.

“Tôi muốn lưu ý các doanh nghiệp nên quan tâm đến các văn bản quan trọng sau: Nghị quyết 01 của Chính Phủ lồng ghép rất nhiều những yếu tố quan trọng liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, mà trước đây là Nghị quyết 19.

Bên cạnh đó, năm 2016 chúng ta có Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, mong muốn có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 (nhưng chưa thành công) và đến nay Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại, cập nhật thêm và ban hành Nghị quyết 58 của Chính phủ ngày 21/4/2023 về một số cơ chế chính sách, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển đến năm 2025.

Ngoài ra, còn có một loạt cơ chế chính sách khác như Nghị định 12 về hoàn thuế và chính sách giảm thuế VAT đã ban hành,... các doanh nghiệp nên quan tâm vì đó là những nguồn lực bổ trợ hiệu quả”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Thách thức trong tiếp cận vốn

Về hoạt động tiếp cận vốn của doanh nghiệp, theo thống kê từ năm 2022, vốn tín dụng chiếm khoảng 47-48%; vốn tự có, vốn chủ sở hữu thì đâu đó chỉ 10% là tiền thực được góp vào để sản xuất kinh doanh, còn lại là thiếu...

Về quy mô, dư nợ từ kênh tín dụng ngân hàng với DNNVV tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20%, con số này cao hơn trung bình so với khu vực châu Á (khoảng 17%). Lĩnh vực cho thuê tài chính ở Việt Nam có 10 công ty nhưng vẫn chưa phát triển được và tổng dư nợ cho thuê tài chính mới khoảng 40.000 tỷ đồng, chỉ bằng một công ty tài chính tiêu dùng.

Sắp tới, chúng ta cần phải quan tâm thúc đẩy hơn nữa để kênh này trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giúp các doanh nghiệp có thể thuê máy móc, thiết bị, thậm chí cả máy bay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về khó khăn, thách thức trong tiếp cận vốn của khu vực DNNVV có một số điểm chính như sau: Một là, rủi ro bị coi là cao hơn so với doanh nghiệp cỡ lớn hoặc các doanh nghiệp khác, bởi vì thông tin, số liệu báo cáo tài chính còn thiếu công khai, minh bạch, nhiều sổ sách,...

Hai là, luôn luôn thiếu tài sản đảm bảo, trong bối cảnh thông tin thiếu minh bạch mà hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế lại phổ biến ở Việt Nam, nên nếu thất thoát xảy ra, không có tài sản đảm bảo thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm, chưa kể khâu quản trị doanh nghiệp còn phải tiếp tục tăng cường hơn nữa.

Ba là, mức độ định hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa có. Việt Nam vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm các DNNVV. Tới đây, khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sẽ bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.

Bốn là, yêu cầu nhiều về vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro, nghĩa là khi TCTD cho vay với DNNVV thì rủi ro cao hơn, buộc tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng nhiều hơn dẫn đến họ đòi hỏi lãi suất cao hơn.

Năm là, chúng ta chưa có nhiều nguồn vốn thay thế như các nguồn vốn trực tuyến.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên đây là những nguyên nhân, rào cản gây khó khăn đối với DNNVV trong huy động vốn. Đáng chú ý là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chưa muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi vì doanh nghiệp ngại công khai, minh bạch; đồng thời phải tăng chi phí về việc tuân thủ các quy định về niêm yết. Nhưng có điều doanh nghiệp nên cân nhắc, là khi được lên sàn thì sẽ có tác dụng rất lớn, có thêm kênh huy động vốn lớn.

Kiến nghị giải pháp

Từ những thách thức nêu trên, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi năm 2022-2023, thực hiện tốt các chính sách giải pháp tiền tệ và tài khóa đã ban hành, giải ngân đầu tư công và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi công vụ.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép các TCTD thực hiện cả bao thanh toán, chiết khấu “miễn truy đòi” như thông lệ (khi sửa Luật các TCTD), có cơ chế thử nghiệm cho Fintech, cho vay ngang hàng (P2P), sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; quỹ đầu tư; xem xét thành lập sàn giao dịch vốn riêng cho các DNNVV như tại Ấn Độ, Nam Phi... và sớm thành lập thị trường mua - bán nợ.

Thứ tư, phát triển hệ thống cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các nguồn vốn trực tuyến như Fintech, gọi vốn cộng đồng, cho thuê tài chính, cho vay tiêu dùng.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quỹ phát triển DNNVV, củng cố và phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Thứ sáu, đẩy mạnh giáo dục tài chính cho doanh nghiệp và người dân.

Về phía DNNVV, cần tìm hiểu tiếp cận các chương trình chính sách hỗ trợ, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tài trợ chuỗi cung ứng; tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính kế toán; nâng cao trình độ quản trị, minh bạch thông tin tài chính; đa dạng hóa nguồn vốn chủ động; tìm hiểu về tài chính tín dụng, nhất là các sản phẩm như cho thuê tài chính, tài trợ cho cung ứng huy động vốn trên nền tảng công nghệ hợp pháp và phấn đấu niêm yết phát hành chứng khoán.

Thị trường bất động sản 2025: Kỳ vọng bùng nổ từ gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng

Công an Bình Dương khởi tố 133 đối tượng hoạt động 'tín dụng đen'

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/da-dang-hoa-nguon-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-247799.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đa dạng hoá nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
    POWERED BY ONECMS & INTECH