Đại biểu Quốc hội: Còn tình trạng sợ sai nên 'cái gì cũng xin ý kiến'
Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng sợ sai và tâm lý “thà bị phê bình còn hơn là vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự”, dẫn đến cái gì cũng xin ý kiến, xã xin ý kiến huyện, huyện xin ý kiến tỉnh, tỉnh báo cáo trung ương.
Sợ sai nên cái gì cũng xin ý kiến
Sáng 26/10, thảo luận tại tổ Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, đại biểu Vi Văn Sơn (Nghệ An) đánh giá các kết quả đạt được trong thời gian qua là tích cực.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nguyên nhân một phần do tâm lý sợ sai, sợ vi phạm pháp luật, dẫn đến đến suy nghĩ "thà bị phê bình không hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là vi phạm pháp luật, vì vi phạm pháp luật là bị xử lý hình sự".
"Chúng tôi nghe thấy, sợ sai nhiều nên cái gì cũng xin ý kiến, xã xin ý kiến huyện, huyện xin ý kiến tỉnh, tỉnh báo cáo lên ý kiến trung ương.
Theo đại biểu Vi Văn Sơn (Nghệ An), vẫn còn tình trạng 'thà bị phê bình còn hơn vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự". |
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, sợ sai, sợ trách nhiệm đang phổ biến. "Nếu dưới hỏi mà bên trên cứ trả lời chung chung thì cũng rất khó thực hiện. Chúng ta nhận diện rồi nhưng giải pháp chấn chỉnh cần rõ hơn”, ông Thi nói.
Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận tiến độ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 chậm hơn so với 2023. Về nguyên nhân, ông nói rằng “vẫn như mọi năm", từ giải phóng mặt bằng, đất đai, đến né tránh đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Trước tình trạng trên, ông Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các tổ công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu trong năm 2024 đạt khoảng 95%.
Sao nhân tài không chịu vào khu vực công?
Đề cập đến vấn đề con người, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu tình trạng thất thoát nguồn nhân lực cao trong khu vực công. Trong đó, theo ông, có những năm có đến hơn 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, xin sang khu vực tư làm việc.
Điều đáng nói được đại biểu nêu ra là, nhiều tỉnh, thành thời gian qua đã đề ra chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, thực tế có những nơi 5 năm qua không thu hút được một nhân tài nào. “Nhiều sinh viên nói rằng, mức lương thấp quá, chỉ có 5 triệu đồng, không đủ sống”, ông Hiếu nói.
Nhắc đến quan điểm thể chế là điểm nghẽn, ông Hiếu cho rằng, nếu không có nhân tài, người giỏi trong khu vực công thì rất khó để tháo gỡ được điểm nghẽn này.
Dẫn bài học từ cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông Hiếu cho rằng, một trong những kinh nghiệm giúp Singapore vươn lên là xây dựng hệ thống công chức có năng lực, lành mạnh, trong sạch. Vậy nên, theo đại biểu cần dành nguồn lực chăm lo cho cán bộ công chức, những người hoạch định chính sách, thể chế.
>> Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ quy hoạch thành phố, đô thị vệ tinh