Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lợi nhuận quý 3/2023 “bốc hơi” 92% so với cùng kỳ
Giá bán mặt hàng phân bón và hóa chất quý 3/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giá khí tăng cao dẫn tới lợi nhuận quý 3 của Đạm Phú Mỹ giảm sâu.
Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - mã CK: DPM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt 3.010 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trong nước chiếm 85% với 2.763 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu sụt giảm, chi phí giá vốn lại tăng mạnh hơn 16% lên 2.585 tỷ đồng, do đó Đạm Phú Mỹ lãi gộp 361 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 12,2% trong khi quý 3/2022, biên lợi nhuận gộp của DPM là 40,2%.
Doanh thu tài chính giảm sâu hơn 73% xuống còn 40 tỷ đồng. Tất cả các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.
Kết quả, DPM lãi sau thuế 84 tỷ đồng, giảm 92,5% so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời là mức lãi thấp nhất trong vòng 16 quý trở lại đây của Đạm Phú Mỹ.
Giải trình phía công ty cho biết, giá bán mặt hàng phân bón và hóa chất quý 3/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán URE giảm 35% và giá bán NH3 giảm 59%), đồng thời giá khí tăng cao so với quý 3/2022 dẫn tới lợi nhuận quý 3 giảm sâu tương ứng.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (HOSE: DCM), doanh nghiệp cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với 3.150 tỷ đồng doanh thu và 74 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 8,8% và hơn 89% so với cùng kỳ. Theo giải trình của DCM lợi nhuận giảm sâu là do giá phân bón giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 9.363 tỷ đồng và LNST đạt 439,5 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 32% và hơn 90% so với kết quả đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Lượng tiêu thụ phân bón Phú Mỹ của DPM trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 980.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn, tương đương tăng 12% so với lượng tiêu thụ 877.000 tấn của cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ tiêu thụ được trên 690.000 tấn, cao hơn 50.000 tấn so với cùng kỳ 2022.
Đây là kết quả kinh doanh có thể nói là khả quan trong tình hình khó khăn chung của thị trường. Thị trường phân bón thế giới ở tình trạng cung vượt cầu, việc xuất khẩu phân bón của Việt Nam trầm lắng gây áp lực cả về giá và cán cân cung cầu phân bón trong nước. Tại thị trường trong nước, 9 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón liên tục giảm, trong khi nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ từ Nga, Belarus…
Sang năm 2023, Đạm Phú Mỹ công bố kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. Như vậy sau 3 quý đầu năm, DPM đã hoàn thành được 54% chỉ tiêu doanh thu và hơn 21% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của DPM ở mức 13.594 tỷ đồng, giảm 21,3% so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tới 51,6% tổng tài sản, ghi nhận 7.018 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả giảm 34,5% so với thời điểm đầu năm, ở mức 2.286,5 tỷ đồng, tổng nợ vay giảm 200 tỷ còn 506,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 11.307 tỷ đồng.
Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể điều chỉnh giá bán ure do giá khí tự nhiên tăng cao
‘Làn sóng VAT’ sẽ thúc đẩy cổ phiếu đầu ngành phân bón tăng gần 20%