Đan Mạch đánh thuế phát thải CO2 nông nghiệp: Mỗi con bò phải gánh 100 euro/năm do... ợ hơi
Thuế phát thải carbon lần đầu tiên được áp dụng ở Đan Mạch gây nhiều tranh cãi. Liệu Châu Âu sắp có làn sóng đánh thuế môi trường lên ngành nông nghiệp?
Đan Mạch vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế carbon đối với ngành nông nghiệp. Theo đó, người chăn nuôi gia súc nước này sẽ phải trả khoảng 100 euro mỗi năm cho lượng khí thải nhà kính từ mỗi con bò.
Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa liên minh cầm quyền, các cơ quan thương mại và các nhóm bảo vệ môi trường. Mức thuế cuối cùng được thống nhất là 120 kroner (16 euro) cho mỗi tấn khí thải carbon dioxide tương đương từ chăn nuôi.
Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ ngành chăn nuôi, một nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể. Tuy nhiên, quyết định này cũng gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại về tác động của nó đối với người nông dân và giá cả thực phẩm.
Ngành chăn nuôi chiếm 11% lượng khí phát thải toàn cầu, trong đó chăn nuôi bò chiếm 2/3 lượng khí phát thải |
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải từ sản xuất lương thực - vốn chiếm gần 1/4 lượng khí thải toàn cầu bao gồm cả thay đổi sử dụng đất - trong khi vẫn duy trì an ninh lương thực.
Động vật nhai lại như bò và cừu tạo ra khí mê-tan thông qua hệ thống tiêu hóa của chúng, khí được thải ra trong quá trình chúng ợ hơi. Bên cạnh đó phân đạm tổng hợp trong cỏ mà chúng ăn cũng tạo ra khí nhà kính. Hiện nay, theo số liệu từ FAO và UN, khí phát thải từ ngành chăn nuôi chiếm 11% lượng khí thải toàn cầu, với gần 2/3 trong số đó là do bò thải ra.
Thỏa thuận của Đan Mạch đặt nền tảng cho việc áp dụng thuế vào năm 2030, được đưa ra chỉ vài tháng sau khi nông dân biểu tình trên khắp châu Âu chống lại các biện pháp môi trường của EU. Mette Frederiksen, Thủ tướng của Đan Mạch, cho biết bà hy vọng việc áp dụng thuế này sẽ “mở đường cho các sáng kiến tương tự trong khu vực và toàn cầu”.
Tuy nhiên, thỏa thuận này vấp phải sự phản đối từ nhiều bên liên quan. Tổ chức nông dân Bæredygtigt Landbrug, đại diện cho một bộ phận nông dân không có tiếng nói trong Quốc hội, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Chủ tịch Peter Kiær thẳng thừng gọi đây là một quyết định "điên rồ", cho rằng nó sẽ kìm hãm sự đầu tư vào công nghệ xanh cần thiết, trong khi Đan Mạch đã là một trong những quốc gia đi đầu về nông nghiệp bền vững. Ông Kiær cũng chỉ trích chính phủ đã phớt lờ ý kiến của những người nông dân trong quá trình tranh luận lập pháp.
Đồng thời, một số tổ chức môi trường cũng bày tỏ quan ngại rằng các khoản khấu trừ quá lớn sẽ làm giảm hiệu quả của thuế, không đạt được mục tiêu giảm phát thải như mong đợi.
Cuộc tranh luận về thuế môi trường cho ngành nông nghiệp vẫn diễn ra nóng bỏng. Quốc hội Đan Mạch dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua loại thuế này vào cuối năm nay. Mức thuế dự kiến là 300 kroner/tấn CO2 vào năm 2030 và tăng lên 750 kroner/tấn CO2 vào năm 2035.
Mặc dù có các biện pháp khuyến khích giảm phát thải và mức khấu trừ thuế ban đầu 60%, thuế này vẫn gây ra nhiều tranh luận. Theo tính toán, một con bò Đan Mạch trung bình sẽ phải chịu phí khoảng 720 kroner (khoảng 96,5 euro) mỗi năm.
Bộ trưởng Khí hậu Lars Aagaard nhấn mạnh sự cần thiết của thuế này, cho rằng nông nghiệp phải đóng góp vào mục tiêu xanh của đất nước. Trong khi đó, Søren Søndergaard, Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp & Thực phẩm Đan Mạch, lại cho rằng các biện pháp khuyến khích hiện tại đã đủ để nông dân tự nguyện giảm phát thải: “Chúng tôi đã phát triển thành công và đề xuất một mô hình thuế trong đó người nông dân sử dụng các giải pháp khí hậu bền vững về mặt kinh tế và hoàn toàn có thể tránh được thuế”.
Đại diện từ phía những nhà sản xuất nông sản, ông Peder Tuborgh, Giám đốc điều hành của hợp tác xã sữa Arla Foods có trụ sở tại Đan Mạch, cho biết chế độ thuế có thể ảnh hưởng một cách không công bằng đến bộ phận lớn nông dân, bao gồm cả các nhà sản xuất hữu cơ, những người đã làm mọi thứ có thể để giảm lượng khí thải, đồng thời xem xét lại mức thuế.
Tổ chức nông dân Đan Mạch Agerskovgruppen biểu tình phản đối thuế carbon của chính phủ bằng cách phong tỏa đường phố với “hàng trăm” máy kéo vào tháng 2/2024 |
Đầu năm nay, một báo cáo nghiên cứu của Ủy ban chuyên gia Đan Mạch cho thấy việc áp dụng thuế phát thải CO2 đối với nông nghiệp sẽ dẫn đến mất hàng nghìn việc làm. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tình trạng mất việc làm có thể được bù đắp ở các lĩnh vực khác.
“Chúng sẽ được phân phối đến phần còn lại của nền kinh tế. Khoảng 800.000 người ở Đan Mạch thay đổi công việc mỗi năm. Họ có thể tìm việc làm trong mọi lĩnh vực từ bán lẻ, dịch vụ đến sản xuất", giáo sư kinh tế Michael Svarer, người đứng đầu ủy ban, cho biết trong một cuộc họp báo. Trong mô hình có thuế là 750 kroner mỗi tấn, dự đoán sẽ khiến 8.000 người mất việc làm vĩnh viễn.
Những người phản đối thuế CO2 theo kế hoạch đã bày tỏ lo ngại về việc mất việc làm và khả năng cạnh tranh với các ngành nông nghiệp nước ngoài không có mức thuế tương tự. Họ cũng nói rằng khí thải sẽ đơn giản được chuyển ra nước ngoài chứ không được ngăn chặn hoàn toàn nếu Đan Mạch đánh thuế khí thải vào ngành nông nghiệp của mình.
Trong khi Đan Mạch đang tiến gần đến việc áp dụng thuế khí thải nông nghiệp, New Zealand lại vừa hủy bỏ kế hoạch tương tự trong tháng này. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đang xem xét áp dụng một hệ thống mua bán khí thải nông nghiệp trên toàn EU, mở ra khả năng nông dân và chủ đất phải trực tiếp trả tiền cho lượng khí thải của mình.
Tại một sự kiện được tổ chức tại Brussels vào tuần trước, Alexandre Paquot, Phó Tổng Giám đốc bộ phận khí hậu của ủy ban, cho biết việc đưa nông nghiệp vào hệ thống giao dịch khí thải của khối sẽ mang đến "cơ hội mới cho nông dân”.
Trong khi đó, từ góc nhìn chiến lược đa quốc gia, ông Kristian Hundebøll, CEO của DLG Group, một trong những hợp tác xã nông nghiệp lớn nhất châu Âu, có phần sở hữu của 25.000 nông dân Đan Mạch, cho biết điều quan trọng là thuế phải được áp dụng trên toàn châu Âu để tránh gây bất lợi cho nông dân Đan Mạch.
Theo Financial Times
Trồng điều tạo tín chỉ carbon, 1ha có thể thu 400 USD từ bán tín chỉ
Doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu, khai thác tín chỉ carbon ở Lâm Đồng