Chính phủ Úc công bố dự chi ngân sách 10 năm với 2 mục tiêu chính: Net Zero và chống lạm phát. Đạo luật "Made in Australia" thu hút đầu tư và cạnh tranh trực diện với Trung Quốc
Trước thềm cuộc bầu cử, Quốc hội Úc thảo luận về kế hoạch tập trung chi tiêu ngân sách vào chuyển đổi năng lượng và kiềm chế lạm phát
Trong bài phát biểu ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Úc, ông Jim Chalmers cho biết Chính phủ nước này có kế hoạch chi ít nhất 15 tỷ USD trong thập kỷ tới để biến đất nước này trở thành một phần “không thể thiếu” của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời theo đuổi mục tiêu Net Zero.
Net Zero (Phát thải ròng bằng 0), trong đó giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất, là mục tiêu đang được nhiều Chính phủ theo đuổi, trong đó có Liên minh châu Âu (EU).
Úc chi tất tay để thúc đẩy nền kinh tế xanh tăng trưởng bền vững |
Khi trình dự chi ngân sách lên Quốc hội, Bộ trưởng Chalmers cho biết chi tiêu trong những năm tới được nhắm vào 2 chủ đề chính: giải quyết áp lực chi phí sinh hoạt cho người dân và thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách công nghiệp có tên là "Tương lai được tạo ra ở Úc" (Made in Australia).
Úc đang có thặng dư ngân sách 9,3 tỷ đô la Úc (6,2 tỷ USD) trong năm tài chính vừa qua. Chính phủ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế là 1,75% trong năm tới. Ông Chalmers thừa nhận triển vọng tăng trưởng “chậm chạp” nhưng cho biết Chính phủ đang đạt được “sự cân bằng tốt” khi tìm cách giải quyết những lo ngại của cử tri về lạm phát, có thể là vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử năm tới.
Ông Chalmers cho biết thực hiện bình ổn giá và chi phí sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Úc và đưa ra một loạt biện pháp nhằm mục đích này. Chúng bao gồm cắt giảm thuế đã được công bố trước đó, giảm hóa đơn tiền điện, trợ cấp thuốc men, cắt giảm khoản vay dành cho sinh viên, hỗ trợ người thuê nhà và kế hoạch xây thêm nhà.
Việc chống lạm phát dai dẳng vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều nước, trong đó có Úc. Các quan chức nước này vẫn cố gắng hướng đến mục tiêu giữ lạm phát trong khoản 2% -3% cho đến cuối năm nay. Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng hàng năm là 3,6% trong quý III/ 2024. Tỷ lệ thất nghiệp ở Úc dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 4,5% vào năm tới do áp lực thị trường lao động giảm bớt.
Bộ trưởng Tài chính cho biết Úc có vị trí tốt để hưởng lợi từ những nỗ lực của thế giới nhằm đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Theo dự chi ngân sách 10 năm tới, quốc gia xuất siêu này đặt mục tiêu phân bổ vốn công cho các “ngành công nghiệp trọng điểm” để giúp thu hút nhiều vốn đầu tư tư nhân hơn, đặc biệt là tăng đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Những danh mục đầu tư của ngân sách bao gồm việc phát triển năng lượng hydro tái tạo, “kim loại xanh” và nhiên liệu lỏng có hàm lượng carbon thấp. Các dự án đầu tư cũng hướng tới việc sản xuất công nghệ năng lượng sạch như tấm pin mặt trời và pin cũng như chế biến và tinh chế các khoáng sản quan trọng.
Một số sáng kiến đã được công bố trong những tháng gần đây, bao gồm các khoản vay do nhà nước hỗ trợ cho các dự án đất hiếm, alumina và than chì, tài trợ cho việc lập bản đồ tài nguyên, hỗ trợ cho một công ty điện toán lượng tử và thành lập quỹ sản xuất các tấm pin mặt trời.
Bên cạnh hỗ trợ về vốn, Chính phủ Úc cũng chương trình ưu đãi thuế sản xuất trị giá hơn 9,3 tỷ USD cho các nhà chế biến khoáng sản và nhà sản xuất hydro quan trọng, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2027. Quỹ Đổi mới Tương lai Sản xuất tại Úc (A future Made in Australia Foundation) sẽ triển khai hơn 400 triệu USD vào các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động.
Thủ tướng Anthony Albanese phát biểu cho buổi giới thiệu Đạo luật A future Made in Australia (Một tương lai sản xuất tại Úc) |
Kế hoạch dự chi ngân sách mới của Chính phủ đã vấp phải lo ngại về việc lãng phí tiền thuế vào các dự án “phải cạnh tranh trực diện” trong các lĩnh vực do Trung Quốc thống trị. Nhưng Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Australia phải tập trung vào an ninh kinh tế và khả năng phục hồi, vào thời điểm chuỗi cung ứng đang bị phân mảnh và cạnh tranh chiến lược đang gia tăng toàn cầu.
Ông cho biết thêm chi tiết về các biện pháp bảo vệ để tránh lãng phí tiền bạc sẽ được quy định trong Đạo luật Sản xuất Tương lai. Luật này sẽ thiết lập một “khuôn khổ lợi ích quốc gia”, xác định các ngành ưu tiên và hướng dẫn đầu tư vào hai lĩnh vực – Net Zero và an ninh kinh tế cũng như khả năng phục hồi.
Với sự nhấn mạnh vào an ninh quốc gia, Chalmers trước đó đã tuyên bố nước này sẽ thay đổi các quy tắc đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh các dự án từ các nhà đầu tư đã biết, đồng thời tăng cường giám sát các lĩnh vực “rủi ro cao hơn” như: xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, khoáng sản, công nghệ và những dự án cần tiếp cận thông tin trong dữ liệu quốc gia.
Ngân sách đưa ra kế hoạch đẩy nhanh quá trình phê duyệt cho các nhà đầu tư với “đề xuất đầu tư mang tính chuyển đổi” phù hợp với chương trình nghị sự của chính phủ.
Bộ trưởng Bộ tài chính Chalmers trước đây đã khẳng định các quy định sẽ không phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Tuy nhiên, Hans Hendrischke, giáo sư quản lý và kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Sydney, cho biết cách tiếp cận này nhắm vào đầu tư Trung Quốc theo nhiều cách.
Giáo sư Hendrischke nhận xét “Nhìn chung, nó không làm cho việc đầu tư từ Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn”. Về việc thúc đẩy lĩnh vực khoáng sản quan trọng, ông Hendrischke nói rằng các khoản trợ cấp của Hoa Kỳ theo Đạo luật giảm lạm phát có thể có tác động nhiều hơn đến các công ty khai thác và sản xuất Úc hơn là các chính sách trong nước.
>> Bất chấp lãi suất tăng "chóng mặt", nhiều đại gia Việt Nam đứng top danh sách mua nhà tại Úc