Dân Mỹ bi quan về lạm phát, lo thuế nhập khẩu 20% thì mình phải gánh 10%
Đe dọa áp thuế, biến động thị trường và những chính sách khó lường từ chính quyền đang khiến người dân Mỹ trở nên bi quan hơn so với trước khi ông Trump nhậm chức.
Niềm tin tiêu dùng suy giảm
Theo khảo sát sơ bộ mới đây của Đại học Michigan, tâm lý người tiêu dùng đã giảm khoảng 5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024.
Kỳ vọng lạm phát trong năm tới tăng từ 3,3% trong tháng 1 lên 4,3% – mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 và cũng là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức tăng đáng kể.
“Rất hiếm khi kỳ vọng lạm phát tăng vọt đến một điểm phần trăm như vậy”. Joanne Hsu, người phụ trách khảo sát, nhận định. Bà cho biết sự lạc quan của cử tri Cộng hòa sau bầu cử đã suy giảm, trong khi cử tri Dân chủ và Độc lập cũng cảm thấy điều kiện kinh tế xấu đi so với tháng trước.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Morning Consult cũng giảm trong khoảng thời gian từ 25/1 đến 3/2, chủ yếu do lo ngại về tương lai kinh tế của đất nước.
![Dân Mỹ bi quan về lạm phát, lo thuế nhập khẩu 20% thì mình phải gánh 10% - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/09/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_08-_63b12cf0223733f0eb0ec7b7c6ce0dbfa2613399_ajyx.png)
Ngay sau chiến thắng của ông Trump vào tháng 11/2024, niềm tin tiêu dùng đã tăng vọt, phần lớn nhờ sự lạc quan của cử tri Cộng hòa. Tâm lý này duy trì suốt thời gian trước lễ nhậm chức.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông có thể gây tác động ngược. Bản thân vị Tổng thống cũng thừa nhận thuế có thể gây “đau đớn” trong ngắn hạn nhưng tin rằng chúng sẽ giúp tạo thêm việc làm và củng cố nền kinh tế về lâu dài.
Dù ông đã tạm dừng kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, người tiêu dùng vẫn lo ngại về những tác động tiềm tàng.
Đại học Michigan chỉ ra tâm lý lo sợ lạm phát gia tăng sau cuộc họp báo ngày 16/12/2024 của ông Trump, khi ông đe dọa áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc và 25% đối với Mexico và Canada. Mối lo này tiếp tục tăng vào ngày 21/1 khi ông tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch từ đầu tháng tới.
Một cuộc khảo sát do các nhà kinh tế học thực hiện từ giữa tháng 12 đến đầu tháng 1 cho thấy người tiêu dùng Mỹ tin rằng họ sẽ phải gánh gần một nửa chi phí của mức thuế giả định 20%.
“Quan điểm cho rằng ‘người nước ngoài trả thuế quan cho chúng ta’ không nhận được nhiều sự ủng hộ trong khảo sát này”, Michael Weber, nhà kinh tế tại Đại học Chicago, đồng tổ chức cuộc khảo sát, cho biết.
Theo khảo sát, cử tri Cộng hòa ước tính người tiêu dùng sẽ chịu 41% chi phí thuế quan, trong khi cử tri Dân chủ cho rằng con số này lên tới 68%.
Phản ứng của người dân
Paul Bisson (58 tuổi), đồng sở hữu một cơ sở chăm sóc chó ở San Antonio, chia sẻ: “Tôi không thích sự bất ổn. Tôi không thích cảnh thị trường hỗn loạn”. Được biết Bisson đã bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng cảm thấy “các chính sách của ông ấy đã dẫn đến sự hỗn loạn này”.
![Dân Mỹ bi quan về lạm phát, lo thuế nhập khẩu 20% thì mình phải gánh 10% - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/09/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_08-_282b57b8eb012027873578586b69b81531d3d708_kcpy.png)
Ông dự định nghỉ hưu trong tương lai không xa và lo lắng rằng điều đó có thể không khả thi nếu ông Trump thực sự triển khai các đe dọa áp thuế thay vì chỉ sử dụng chúng như một chiến thuật đàm phán.
“Điều đó sẽ khiến nền kinh tế tệ hơn, và đó không phải là những gì chúng tôi mong đợi”. Bisson nói. “Chúng tôi đã cắt giảm chi tiêu hết mức có thể rồi”.
Trong khi đó, John Schinkel (cũng bỏ phiếu cho ông Trump) vẫn ủng hộ chương trình kinh tế của Tổng thống nhưng thừa nhận ông “có chút lo lắng” trước khi các mức thuế dự kiến có hiệu lực.
Nhà đầu tư bất động sản 53 tuổi lo ngại thuế quan có thể phản tác dụng và cản trở các kế hoạch khác của ông Trump. Dù vậy, Schinkel tin rằng ông Trump sẽ hạ giá cả và lãi suất, chỉ là chưa thể ngay lập tức.
“Tôi không đổ lỗi cho ông ấy về giá trứng hiện nay”, ông chia sẻ. “Bất kể ai ngồi trong Nhà Trắng, tôi cũng sẽ cho người đó một năm để thực hiện chính sách của họ trước khi quy trách nhiệm cho giá cả tiêu dùng”.
Theo cuộc khảo sát hàng tuần mới nhất của Hiệp hội Các nhà đầu tư cá nhân Mỹ, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm trong 6 tháng tới đã tăng lên 42,9%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 và cao hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử.
Sanjay Dayal, nhà sáng lập một công ty sạc xe điện, đã bắt đầu rút bớt đầu tư khỏi những doanh nghiệp riêng lẻ. Ông chuyển hướng sang vàng và bất động sản, coi đây là những khoản đầu tư an toàn hơn trong môi trường kinh tế bất ổn.
Tại Durham thuộc bang North Carolina, Nicholas Schuch đang cân nhắc chuyển một nửa số tiền tiết kiệm của mình sang một loại tiền tệ nước ngoài.
Nhà di truyền học 38 tuổi muốn chọn một quốc gia có chính sách tiền tệ ổn định hơn.
Là người bỏ phiếu cho Kamala Harris, Schuch lo lắng ông Trump có thể làm tổn hại danh tiếng của Mỹ với tư cách là một đối tác thương mại, can thiệp vào Fed và gây gián đoạn nguồn tài trợ cho lĩnh vực nghiên cứu của anh.
Ngoài ra, chủ một trung tâm chăm sóc trẻ em tại West Lafayette cũng gặp trục trặc trong việc nhận tiền hỗ trợ thực phẩm liên bang cho tháng 12/2024 do những bất ổn xung quanh sắc lệnh của ông Trump.
“Không có cách nào để lên kế hoạch cho tương lai ở hiện tại. Bạn không biết liệu mình có ổn định tài chính hay không, hay sắp bị đẩy vào cảnh bấp bênh”, Atisso (45 tuổi), người từng bỏ phiếu cho bà Harris, chia sẻ.
Cô lo lắng nền kinh tế Mỹ có thể sắp rơi vào suy thoái, khiến khách hàng của cô mất việc và không đủ khả năng chi trả dịch vụ trông trẻ.
Theo WSJ
>> Ông Trump cảnh báo sẽ áp loại thuế mới ngay tuần tới, mọi quốc gia sẽ bị ảnh hưởng