Xã hội

Dân số giảm nửa triệu người chỉ trong 1 năm, 'siêu cường châu Á' tham vọng về 'siêu dự án' 26 tỷ USD dưới lòng đất nhằm thay thế con người

Thùy Dung 27/07/2024 - 12:37

Dự án này dài khoảng 500km và được điều khiển tự động để giải phóng sức lao động cho con người.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã đề xuất xây dựng Autoflow-Road. Hệ thống băng chuyền ngầm tự động này, với chiều dài ấn tượng lên tới 500km, sẽ kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Tokyo và Osaka. Sử dụng công nghệ pallet hiện đại, Autoflow-Road có khả năng vận chuyển liên tục hàng hóa với khối lượng lớn, góp phần tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Tuyến liên kết hậu cần giữa Tokyo và Osaka không chỉ là một giải pháp giao thông mà còn là một động lực thúc đẩy kinh tế. Bằng cách giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường huyết mạch, hệ thống này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí logistics.

Hình ảnh mô phỏng tuyến đường ngầm kết nối từ Osaka đến Tokyo. Ảnh: Internet

Hình ảnh mô phỏng tuyến đường ngầm kết nối từ Osaka đến Tokyo. Ảnh: Internet

Hệ thống sẽ sử dụng các pallet hoàn toàn tự động, chạy bằng điện, có khả năng chở tới một tấn hàng hóa mỗi pallet. Ban đầu, hàng hóa được lên kế hoạch để chạy trên đường ray ở dải phân cách của các xa lộ hiện có, nhưng hiện tại chính phủ đang hướng tới các đường hầm bên dưới các tuyến đường này. Các pallet sẽ được thiết kế để chở đủ loại hàng hóa có thể vừa bên trong các pallet thông minh này, từ các gói hàng của Amazon và hàng nông sản đến cá tươi và các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Autoflow-Road dự kiến kéo dài khoảng 310 dặm (500km) giữa Tokyo và Osaka, với chi phí xây dựng ước tính lên tới 26 tỷ USD. Chi phí xây dựng sẽ dao động từ 48 triệu USD đến 550 triệu USD cho mỗi 6 dặm (khoảng10 km) đường hầm, tùy thuộc vào vị trí. Ước tính, tuyến đường mới có thể thay thế đến 25.000 chuyến xe tải mỗi ngày, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải trên các tuyến đường.

Theo Bộ trưởng Tetsuo Siago : “Dự án sẽ không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng hậu cần mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính”.

Nhưng việc loại bỏ tình trạng tắc đường và giảm CO2 không phải là lợi ích chính của kế hoạch này. Theo chính phủ Nhật Bản, vấn đề lớn nhất là nguyên do cho dự án này là nước Nhật không có đủ tài xế để lái tất cả những chiếc xe tải đó nữa.

Nhật Bản đang đối mặt với một thực tế đáng báo động:

Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 24/7 công bố dữ liệu cho thấy tính tới ngày 1/1, nước này có hơn 124.885.000 dân, giảm khoảng 531.700 người, tương đương 0,42% so với một năm trước đó.

Năm 2023, Nhật Bản ghi nhận mức suy giảm dân số lớn nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát vào năm 1958. Dân số Nhật Bản đã giảm 15 năm liên tiếp kể từ khi đạt mức đỉnh 127 triệu người vào năm 2009.

Tuyến đường có sức vận chuyển thay thế khoảng 25.000 xe tải. Ảnh: Internet

Tuyến đường có sức vận chuyển thay thế khoảng 25.000 xe tải. Ảnh: Internet

Theo Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản đang "trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội". Sự suy giảm dân số Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến tổng số người dân mà còn tác động trực tiếp đến lực lượng lao động. Số người trong độ tuổi làm việc đã giảm từ đỉnh điểm 87 triệu vào năm 1993 xuống còn 75,3 triệu vào năm 2018, và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục. Đến năm 2030, với tổng dân số giảm xuống còn 119 triệu từ mức 126 triệu của năm 2018, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics, sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, số lượng bưu kiện nhỏ, chủ yếu từ các đơn hàng trực tuyến, đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 30 năm qua. Hệ thống hậu cần hiện tại đang quá tải và khó có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Tình hình dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn khi Bộ dự đoán rằng đến năm 2030, có tới 30% bưu kiện sẽ không thể giao hàng do thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.

Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Nhật Bản đang lo lắng và Bộ đang thúc đẩy kế hoạch này, với mục tiêu hoàn thành dự án Tokyo-Osaka vào năm 2034. "Chúng tôi muốn nhanh chóng tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề này", ông Siago nói với The Japan News .

Việc thực hiện dự án này sẽ gặp không ít khó khăn do quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao. Bên cạnh những thách thức về thiết kế và xây dựng, dự án còn tiềm ẩn nhiều tác động đến môi trường xung quanh. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã đề xuất phương án hợp tác công tư, trong đó khu vực tư nhân sẽ tham gia tài trợ và một tổ chức chuyên biệt sẽ được thành lập để quản lý toàn bộ dự án.

>> Siêu cường châu Á ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam làm đường sắt cao tốc 70 tỷ USD: Đi đầu thế giới về hệ thống giao thông thông minh

'Siêu cường châu Á' sẽ rót hơn 700 tỷ đồng đưa một thành phố sầm uất của Việt Nam 'cất cánh' thành đô thị thông minh

‘Siêu cường châu Á’ tuyên bố mở rộng thềm lục địa tại một loạt đảo trên Thái Bình Dương

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/sieu-cuong-chau-a-khung-hoang-dan-so-muon-chi-26-ty-usd-cho-du-an-dien-ro-duoi-long-dat-lam-viec-thay-the-con-nguoi-d128764.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Dân số giảm nửa triệu người chỉ trong 1 năm, 'siêu cường châu Á' tham vọng về 'siêu dự án' 26 tỷ USD dưới lòng đất nhằm thay thế con người
POWERED BY ONECMS & INTECH