Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam để có chính sách hợp lý

19-04-2023 10:18|Anh Minh

Bộ Tài chính đang đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong đó, tập trung đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, từ đó có những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam để có chính sách hợp lý - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Chủ động ứng phó bảo đảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội thảo "Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam" được tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.

Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu), bao gồm: Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.

Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD (do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng vào tháng 8/2022). Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam để có chính sách hợp lý - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh - Ảnh: VGP/HT

Bảo đảm thu hút đầu tư FDI có thực chất

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Theo đó, nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: Tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. Năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Qua thống kê, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).

"Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng Quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách Nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó...", ông Đặng Ngọc Minh nói.

Ông Robert King, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được 2 mục tiêu quan trọng. Đó là quyền lợi của nhà đầu tư, biện pháp hỗ trợ phải đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; các biện pháp hỗ trợ phải bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2.

Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam để có chính sách hợp lý - Ảnh 3.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ ngày 1/1/2024, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nội luật và thể hiện quan điểm ủng hộ thỏa thuận và cam kết thuế suất tối thiểu toàn cầu. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tranh thủ hỗ trợ, ý kiến tư vấn của OECD và các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn đối thoại, hội thảo khoa học, truyền thông chính sách văn bản quy phạm pháp luật thuế suất tối thiểu toàn cầu và các thuế liên quan. 

Đồng thời, đánh giá chủ trương chính sách của Việt Nam và đẩy nhanh tiến xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế, có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023 và mở rộng hơn với tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương vào ngày 1/1/2024 khi thuế suất tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Nội luật được xây dựng trên cơ sở đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện.

Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột 2, bảo đảm thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Việc ban hành chính sách hoặc cơ chế mới cần được xem xét cẩn trọng để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột 2, bảo đảm thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia…

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), trong bối cảnh triển khai các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các nước ASEAN cũng đã có xu hướng cải cách chính sách thuế và những chính sách khác. Singapore sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025, nước này đã rà soát và sửa đổi bổ sung các chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp vĩ mô song song với việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, để bảo đảm sẽ cạnh tranh trong việc duy trì thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn Malaysia sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau. Để cho phép Malaysia mở rộng cơ sở thuế trong khi vẫn duy trì tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ nước này dự định thực hiện thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn từ năm 2024...

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng cần chia làm 2 nhóm nhà đầu tư khi đưa ra chính sách bù đắp sau khi áp thuế.

Với những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể hỗ trợ tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân. Còn với nhóm nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam từ năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI, tuỳ thuộc các nhóm đầu tư, dự án.

"Cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi quy định pháp luật liên quan như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng…", chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Mỹ báo tin vui cho Ukraine từ tài sản đóng băng của Nga

Những quốc gia nào có giá nhà ở cao nhất châu Âu

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/danh-gia-tac-dong-cua-thue-toi-thieu-toan-cau-den-viet-nam-de-co-chinh-sach-hop-ly-102230418160404986.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam để có chính sách hợp lý
    POWERED BY ONECMS & INTECH