Ông được đánh giá là một thiên tài quân sự, người có nhãn quan chiến thuật đại tài, khiến kẻ địch chỉ cần nghe tên đã run sợ.
Theo danh sách đơn vị hành chính của Tổng cục thống kê, cả nước có 25 phường, xã có tên Quang Trung. Vì thế, đây là danh nhân được đặt tên cho nhiều phường, xã nhất cả nước.
Những tỉnh, thành có phường, xã Quang Trung là Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là vị hoàng đế thứ 2 nhà Tây Sơn, sau khi Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi. Cho đến tận bây giờ, Quang Trung vẫn là cái tên nổi bật bậc nhất trong lĩnh vực quân sự của nước ta. Ông được đánh giá là một thiên tài quân sự, người có nhãn quan chiến thuật đại tài, khiến kẻ địch chỉ cần nghe tên đã run sợ.
Khi còn trẻ, chứng kiến cảnh đất nước bị chia cắt, Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân cả nước rơi vào cảnh lầm than, Nguyễn Huệ cùng với các em ruột là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa. Ông đã nhanh chóng trở thành yếu nhân trụ cột, linh hồn của phong trào nông dân Tây Sơn, dẹp yên loạn lạc, chấm dứt những cuộc xâu xé quyền lực của các tập đoàn phong kiến.
Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, ổn định phía Nam, Nguyễn Huệ lại cầm quân ra Bắc diệt Trịnh, sắp xếp cơ đồ và giao lại cho nhà Lê. Năm 1788, vua Càn Long đưa 20 vạn quân Mãn Thanh sang đánh Đại Việt. Thấy rõ dã tâm đen tối của kẻ thù, trước tình thế vận mệnh quốc gia nghìn cân treo trên sợi tóc, Nguyễn Huệ đã “ứng mệnh trời, thuận lòng người” lên ngôi hoàng đế để chính danh gánh vác trọng trách của đất nước trước họa xâm lăng.
Lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc của vị hoàng đế trẻ tuổi chính là tuyên ngôn của một dân tộc bất khuất, là niềm tự hào, kiêu hãnh muôn của những người dân đất Việt: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”
Với ý chí mãnh liệt và thiên tài quân sự bẩm sinh, trước kẻ thù có lực lượng và tiềm năng gấp bội, Quang Trung đã tỉnh táo phân tích cục diện, biết địch biết ta, lựa chọn thời cơ, mở cuộc tiến công quyết chiến chiến lược đánh vào trung tâm đầu não chỉ huy của địch.
Dưới sự thống soái của Quang Trung, đội quân Tây Sơn được sự hậu thuẫn của cả dân tộc, đã tiến công quyết liệt và chớp nhoáng vào những ngày Tết Nguyên đán, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh dấu một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc. Đó là chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của những người nông dân tay lấm chân bùn cùng với ý chí độc lập tự chủ của cả dân tộc. Nó minh chứng thiên tài quân sự kiệt xuất và độc đáo của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đồng thời phản ánh trình độ phát triển mới của chiến tranh cứu nước và nghệ thuật quân sự của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận Quang Trung là vị vua chưa từng thất bại trong những lần cầm quân ra trận. Thời kỳ cai trị của mình, ông đưa ra nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật được quan, dân trong nước hưởng ứng. Điều đáng tiếc là ông qua đời quá sớm, khi còn nhiều dự định dang dở chưa kịp hoàn thành.
Cuộc đời và sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cho hậu nhân thấy rõ tầm cao trí tuệ và nghệ thuật dùng người của một danh tướng lững lẫy, một nhà quân sự thiên tài, một vị hoàng đế anh minh, một trong những nhân vật rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta ở thế kỷ XVIII.
Tuy chỉ tồn tại trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ nhưng triều đại Tây Sơn đã có công tích lớn là tiếp tục mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn. Đồng thời, triều đại Tây Sơn đã 2 lần đánh bại quân xâm lược ngoại quốc là quân Xiêm La và quân nhà Thanh bằng những chiến dịch quân sự thần tốc, táo bạo.