Apple được cố huyền thoại Steve Jobs sáng lập với khát khao làm thay đổi thế giới, bất kể đó là sản phẩm gì. Quả thực, Iphone đã làm thay đổi hoàn toàn nhân loại trong việc sử dụng điện thoại và Apple bước lên ngai vàng với vị thế doanh nghiệp có giá trị vốn hoá lớn nhất hành - 2.500 tỉ USD.
Nếu Steve Jobs thay vì tạo ra điện thoại thông minh mà phát triển sản phẩm bồn cầu thông minh chẳng hạn, có lẽ mọi người trên trái đất đã thay đổi cách đi WC chứ chả đùa.
Một huyền thoại khác cũng rất đáng để chú ý vì luôn làm thay đổi cuộc chơi của xã hội thực tại đó là Warren Buffett trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu. Buffett từng tuyên bố không bao giờ mua cổ phiếu công nghệ vì không hiểu ngành này, bất chấp có người bạn rất thân thiết là Bill Gates, sáng lập tập đoàn công nghệ Microsoft có giá trị vốn hoá số 2 thế giới chỉ sau Apple (AAPL). Và nếu như vậy thì tất nhiên huyền thoại Buffett sẽ chẳng bao giờ mua cổ phiếu AAPL.
Cổ phiếu nhóm ngành công nghệ chiếm tới 40% thị trường chứng khoán Mỹ, dù muốn hay không thì Buffett cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi ở nhóm này bất chấp trước đó có tuyên bố thế nào. Chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2017-2018 cổ phiếu AAPL liên tục được Buffett âm thầm thu gom. Cho đến lúc này giá trị AAPL mà Buffett nắm giữ vượt 100 tỉ USD, chiếm ½ vốn đầu tư vào cổ phiếu và gần ⅕ vốn hoá tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu chỉ là mua bán bình thường, vấn đề ở chỗ khi Buffett tham chiến tại AAPL đã làm thay đổi cuộc chơi định giá cổ phiếu. Táo khuyết đang được định giá PE 15 lần, sau khi Buffett nhảy vào thì định giá đã nhảy vọt lên 30 lần. Nghĩa là giá tăng gấp đôi dù cơ bản không thay đổi, còn nếu lợi nhuận tăng 50% thì giá sẽ tăng gấp 3 lần như hiện nay. Vốn hoá AAPL từ 800 tỉ vọt lên tới 2.500 tỉ USD trong khi lợi nhuận chỉ từ 55 tỉ tăng lên 80 tỉ USD.
Không hiểu do Buffett đã cảm nhận được hơi thở của thị trường từ trước hay do chính bản thân huyền thoại là sức hút đã lôi kéo mọi người vào trận đánh để thay đổi cuộc chơi. Định giá tăng gấp đôi với lập luận Apple sẽ ít phụ thuộc vào điện thoại Iphone hơn mà dàn trải qua những sản phẩm khác. Sự thật lại hoàn toàn khác, doanh thu và lợi nhuận từ Iphone vẫn chiếm hơn 60% và vẫn tăng trưởng 40-50% không thua gì các sản phẩm khác. Nói một cách dễ hiểu, không có gì thay đổi về mặt bản chất nhưng định giá AAPL đã rất khác xưa.
Thế mới nói, đúng sai chả quan trọng, thật giả lẫn lộn, tham lam sợ hãi không phân biệt học thức thấp hay cao, màu da trắng đen hay vàng, nó kéo dài từ Tây sang Đông và đã tới sát đít dải đất hình chữ S của chúng ta. Một sự thú vị đã xảy ra, định giá PE 10 lần được đẩy lên 20 lần dù đội ngũ lãnh đạo vẫn thế, những con người tài hoa trong mảng chém gió về những lĩnh vực kinh doanh xưa cũ và tất nhiên lợi nhuận kinh doanh không thể đột phá là điều dễ hiểu.
Cổ phiếu được nhắc đến chính là FPT, định giá PE quanh 11 lần trong năm 2019 vì kinh doanh không có gì đặc biệt chỉ tăng bình quân 17% mỗi năm. Còn ngay lúc nay, lợi nhuận cũng chả khá hơn quá khứ là bao với mức tăng dự kiến 18% hàng năm, ấy thế mà định giá PE có thể vọt lên tới 20 lần. Thật thú vị biết bao.
Năm 2019 tôi đã có bài phân tích chi tiết về kinh doanh của FPT (link ở cuối bài) và cho đến lúc này vẫn còn nguyên giá trị, mọi sự di chuyển của doanh nghiệp đều không thay đổi, chưa tạo được bước tiến đột phá nào, tất cả mới chỉ dừng lại ở khát khao, tham vọng… được thể hiện qua trót lưỡi đầu môi mà thôi.
Hai mảng kinh doanh chủ chốt của FPT là công nghệ thông tin và viễn thông mang về tới 85% lợi nhuận, phần còn lại thuộc về giáo dục, đầu tư… Kinh doanh trong nước cạnh tranh khốc liệt nhưng FPT không có nhiều thế mạnh nên rất khó giành thêm được thị phần và chủ yếu tăng theo mức bình quân của ngành. Thị trường nước ngoài cảm giác tiềm năng vô hạn nhưng sản phẩm của FPT rất ít chất xám, gia công là chủ yếu, rất khó để tăng trưởng đột biến.
Mảng viễn thông (FOX) đóng góp 23% cho FPT đang cạnh tranh với hai ông lớn trong ngành là Viettel và VNPT. Thành ra FOX rất ít có khả năng bùng nổ, chấp nhận đi theo xu hướng chung của ngành mà thôi. Tiềm năng tăng trưởng của FOX rất tốt nhưng khó bùng nổ, dự kiến tăng 20% mỗi năm là hợp lý.
Mảng công nghệ thông tin chiếm tới 62% trong cơ cấu lợi nhuận nên giờ đây có thể tạm coi FPT là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ, mà đã là vậy thì được quyền nâng định giá PE lên mức 20 lần - có vẻ hợp lý phết.
Lĩnh vực công nghệ của FPT trong nước hoạt động tương đối phập phù tăng trưởng bất ổn vì nhiều lý do khác nhau, thành ra kỳ vọng tăng 20% mỗi năm đã là lạc quan. Thị trường nước ngoài luôn là trọng tâm đối với FPT khi liên tục tăng trên 30% trong những năm qua. Nhưng hiện nay cỗ máy này đang có chút trục trặc vì dịch bệnh hoặc vì yếu tố nào đó mà không còn duy trì được sức mạnh và chỉ còn tăng dưới 20% mà thôi, thật đáng lo ngại.
Tóm cái váy lại, tăng trưởng bình quân mỗi năm của FPT sẽ ở mức 20%, chưa thấy yếu tố nào thúc đẩy vượt qua mức này. FPT tốt nhưng không xuất sắc.
Bất chấp sự lạc quan tếu xưa nay vẫn vậy của ông Trương Gia Bình, chủ tịch của FPT khi nói về thị trường nước ngoài với đầy rẫy cơ hội, nào là thị trường vô tận, cày mãi không không, chỉ sợ làm không nổi chứ không lo thiếu việc… vân vân và ...mây mây… Đúng nhưng chả đúng tẹo nào, biển lớn luôn cạnh tranh khốc liệt, chém giết tàn sát trong đó. FPT là cá lớn ở ao làng nhưng ra biển lại chỉ là cá con, liệu có đủ sức và can đảm vẫy vùng thể hiện.
Công nghệ nói cho sang mồm chứ thực ra FPT cũng không khác gì một doanh nghiệp trong ngành da giày nội địa, thay vì gia công đôi giày cho hãng Nike thì FPT gia công sản phẩm cho các tập đoàn nước ngoài. Chất xám không nhiều, thặng dư rất ít, lấy công làm lãi, muốn phát triển bùng nổ là điều không thể.
Tăng trưởng 20% mỗi năm thì không thể gọi là vượt trội, nhưng cũng là mức không tệ chút nào. FPT được định giá PE ở mức 15 lần là hợp lý nhưng nếu đẩy lên 20 lần cũng chẳng có gì sai vì thị trường luôn có lý của nó. Thành ra lúc này chúng ta sẽ quên đi mức định giá PE 10 lần khi xưa mà thay vào đó là mức 18-20 lần. Và nếu ở mức này thì giá cổ phiếu FPT còn hấp dẫn hay không.
Lợi nhuận 2022 và 2023 của FPT dự kiến là 5.000 và 6.000 tỉ, với mức định giá PE 20 lần thì khi đó vốn hoá sẽ là … Cổ phiếu FPT lúc này không đắt cũng chẳng rẻ, sự hấp dẫn ở mức vừa phải.