Hơn 7 tháng kể từ ngày cổ phiếu rời đỉnh, đến thời điểm này, hơn 48.000 cổ đông DIG (DIC Corp) và gần 43.000 cổ đồng CEO (C.E.O Group) hay cổ đông L14 vẫn còn bộn bề cảm xúc.
Hành trình đầu tư tài chính và dấu ấn "thầy A7"
Licogi 14 là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với mảng chính là xây dựng nhà ở. Tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp không quá nổi bật cho đến khi ông Nguyễn Mạnh Tuấn - "thầy A7" trở thành Thành viên HĐQT công ty này từ tháng 4/2016.
7 năm qua, vốn điều lệ của L14 đã điều chỉnh (tăng) 10 lần từ lên mức 308 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Đây cũng là giai đoạn lợi nhuận hàng năm của L14 tăng lên thấy rõ so với mức lãi chỉ vài tỷ đến dưới 20 tỷ đồng/năm trong giai đoạn trước đó.
Thuần túy là một doanh nghiệp xây dựng tuy nhiên 3 năm trở lại đây, các khoản đầu tư tài chính (chủ yếu là mảng chứng khoán) tại L14 bất ngờ tăng mạnh với đỉnh điểm là năm 2021 khi doanh thu tài chính gấp gần 2,5 lần doanh thu mảng chính (bán hàng).
Cánh tay đắc lực giúp L14 ghi dấu ấn trong hoạt động tài chính 3 năm qua đến từ CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI) - được thành lập từ tháng 6/2018 (Licogi 14 nắm 51% vốn). Đây cũng là pháp nhân thực hiện các hoạt động đầu tư chứng khoán cho công ty mẹ.
Bên cạnh việc đem về khoản lãi lớn cho công ty mẹ năm 2021, LFI cũng vừa "gánh" giúp L14 khoản “dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” giá trị 320 tỷ đồng (tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Licogi 14) sau khi bất ngờ trở thành công ty liên kết quả L14.
Sau giai đoạn xuất hiện của LFI, cổ phiếu L14 đã nhanh chóng bứt tốc từ vùng giá 19.x đồng hồi đầu năm 2019 và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán - mức 484.000 đồng (tháng 1/2022 - giá chưa điều chỉnh).
Chuyện "tăng gia" cổ phiếu CEO - DIG...
Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét năm 2021, L14 thời điểm này đang có khoản đầu tư gốc 486 tỷ đồng tại 2 cổ phiếu CEO (298 tỷ đồng - 7,5 triệu cổ phiếu) và DIG (188 tỷ đồng - 2,9 triệu cổ phiếu) trong khi hồi đầu năm, danh mục đầu tư này chưa xuất hiện.
Tại ngày 31/12/2021, giá trị hợp lý của danh mục đầu tư chứng khoán lên đến gần 816 tỷ đồng trong đó Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỷ đồng với CEO và 91 tỷ đồng với DIG.
Nhìn vào giá mua trung bình từ bảng giá bên trên, có thể thấy L14 đã mua vào lượng lớn cổ phiếu CEO trong khoảng cuối tháng 11/2021 và mua cổ phiếu DIG khoảng giữa tháng 12 cùng năm.
Sự xuất hiện bất ngờ Licogi 14 trong năm 2021 vô tình khiến giá cổ phiếu DIG tăng phi mã từ mức 18.x00 hồi đầu năm lên đỉnh gần 100.000 đồng (giá đã điều chỉnh) tại thời điểm đầu tháng 1/2022 - tăng 426%.
Tương tự, CEO cũng bứt lên từ vùng 12.x lên trên 92.x đồng - tương ứng tăng 658% chỉ sau 1 năm.
Trở lại với L14, ghi nhận tài báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, tổng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạ (tiền gửi) của công ty đạt tổng cộng 305 tỷ đồng - chỉ bằng 63% giá trị khoản đầu tư gốc 486 tỷ tại cổ phiếu CEO - DIG trong năm sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải thế chấp tài sản để "hùn vốn" cho các khoản đầu tư này.
Cần nhớ rằng, L14 hoàn toàn có thể dùng chính số cổ phiếu nhà để thế chấp cho các khoản huy động vốn ngân hàng để dồn tiền cho CEO - DIG và... giá cổ phiếu càng cao thì số tiền thu về từ thế chấp sẽ tăng lên đáng kể.
... Và sự "mắc kẹt" của cổ đông đu đỉnh
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo cắt margin đối với cổ phiếu L14 từ ngày 19/8 do công ty lỗ sau thuế soát xét bán niên 2022. Đáng chú ý, ngay trước khi HNX có thông báo cắt margin đối với L14, Chứng khoán VPS đã thực hiện việc tương tự từ ngày 27/7. Hay như Chứng khoán Techcombank (TCBS) ngày 21/4 cũng thông báo điều chỉnh giá trần cho vay và giá trần tính tài sản đối với cổ phiếu L14 về mức 0 đồng.
Sau 7 tháng, cổ phiếu L14 hiện đã giảm sâu 70% thị giá so với vùng đỉnh (hiện ở mức 117.x đồng). Điều này đồng nghĩa với việc áp lực call margin - bán giải giải chấp đối với nhà đầu tư thời gian qua là rất lớn. Còn nhớ phiên 28/3, VPS đã bán giải chấp 200 cổ phiếu L14 do ông Nguyễn Mạnh Tuấn sở hữu tại vùng giá 303.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu L14 "tụt áp" cũng khiến giá trị các khoản thế chấp cổ phiếu của công ty này tại ngân hàng giảm sâu (trong trường hợp Licogi 14 đem thế chấp cổ phiếu để huy động vốn) và có thể dẫn đến việc bị tổ chức tín dụng bán giải chấp cổ phần thế chấp.
Trong trường hợp này, hoặc công ty sẽ phải vào lệnh mua cổ phiếu để đỡ giá cổ phiếu nhà (nhằm kìm hãm đà giảm của cổ phiếu) hoặc chấp nhận xả hàng đối với danh mục CEO - DIG hiện có để giảm áp lực call margin.
Cần nhấn mạnh rằng, với quy mô vốn và cổ đông của DIG (gần 48.300 cổ đông) và CEO (42.800 cổ đồng) là lớn hơn rất nhiều so với L14. Chính vì thế, thiệt hại của cổ đông các công ty này khi "đu đỉnh" cổ phiếu CEO - DIG hồi cuối 2021 - đầu 2022 đến nay là rất nặng nề (DIG giảm 55% về 40.x đồng; CEO mất 63% về dưới 35.x đồng), nhất là khi câu chuyện tăng giá của 2 cổ phiếu bất động sản này thời gian qua vẫn được nhà đầu tư trên nhiều diễn đàn đồn đoán là gắn bó mật thiết với sự hiện diện của Licogi 14.
Một số bình luận của nhà đầu tư trên diễn đàn chứng khoán tại thời điểm cách đây 1 tháng
[Chứng khoán cười] "Anh em cổ đông CEO 8x - DIG 10x giờ thế nào rồi?"
Founder Nguyễn Mạnh Tuấn: Đầu tư chuỗi nhà hàng Cơm Lệ vì muốn giữ giá trị truyền thống
Bất ngờ với khối tài sản gia đình các lãnh đạo Hòa Phát (HPG) đang sở hữu: Khoảng 75.000 tỷ đồng