Trong bối cảnh giá hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm đe dọa đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, các tổ chức quốc tế đều đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022.
Lạm phát thế giới có thể đã đạt đỉnh
Nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát toàn cầu đã bước qua đỉnh điểm, dù sẽ có độ trễ trước khi việc giá vật liệu thô giảm được thể hiện ở giá cả mà người tiêu dùng phải trả...
Theo Bloomberg, 3 nhân tố quan trọng về nguồn cung đẩy lạm phát toàn cầu lên cao đang có dấu hiệu đảo chiều. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng trên thế giới sắp có thể “thở phào nhẹ nhõm”.
Giá chip máy tính của InSpectrum Tech – một thước đo chi phí của nhiều mặt hàng điện tử thành phẩm như laptop, máy rửa bát, bóng đèn LED, thiết bị y tế,… hiện đã giảm 50% so với mức đỉnh vào tháng 7/2018 và giảm 14% so với thời điểm giữa năm 2021.
Chỉ số giá cước vận tải giao ngay bằng container WCI của Drewry đã giảm 26% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 9/2021. Chỉ số này thể hiện phần nào mức giá mà người tiêu dùng sẽ phải trả cho quần áo ở Chicago (Mỹ), hàng xa xỉ ở Singapore hay đồ nội thất ở châu Âu.
Trong khi đó, giá phân bón tại Bắc Mỹ cũng giảm 24% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 3 năm nay. Đây là một chỉ số cho biết nơi xảy ra lạm phát lương thực trên thế giới, bao gồm giá cà chua ở London (Anh), hành tây ở chợ Johannesburg (Nam Phi)…
Trên thế giới, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro đã vượt 8%. Lạm phát ở Mỹ được dự báo cũng tiếp tục trên mức này khi các số liệu tháng 5 được công bố ngày 10/6. Áp lực lạm phát cũng gia tăng ở châu Á. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang gấp rút có động thái để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, kể cả khi nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất, nhiều nhà kinh tế cho rằng lạm phát toàn cầu đã bước qua đỉnh điểm, dù sẽ có độ trễ trước khi việc giá vật liệu thô giảm được thể hiện ở giá cả mà người tiêu dùng phải trả.
Dù không nhiều người dự báo giá cả sẽ trở về mức trước đại dịch trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp bán lẻ khổng lồ như Walmart Inc. đang vật lộn để giải phóng hàng tồn kho cồng kềnh. Nhờ đó, áp lực nguồn cung được giảm bớt và sẽ là cơ sở để các ngân hàng trung ương giảm tốc độ chu kỳ thắt chặt của mình.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào cuối năm 2021 và đang bắt đầu giảm. Các nhà kinh tế dự báo chỉ số giá xuất xưởng tháng 5 ở Trung Quốc sẽ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng 8% của tháng 4.
“Đây là diễn biến đầy hứa hẹn để lạm phát hàng nhập khẩu trên toàn cầu giảm xuống”, ông Goh đánh giá.
“Ngoài ra, trong chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), giá cước vận tải bằng container giảm và thời gian giao hàng được cải thiện cho thấy điểm nghẽn đang được giải tỏa và sẽ kiềm chế áp lực giá trong phần còn lại của năm nay”.
Gian nan mục tiêu kìm chế lạm phát trong nước
Trong nước, trao đổi với báo chí mới đây, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục Thống kê) cho rằng, áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn. Nếu không có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như đề ra sẽ trở nên rất thách thức.
Bà Oanh cho rằng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn. Theo đó, một số yếu tố có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm.
Thứ nhất, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.
Đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải.
Hiện nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore chiếm khoảng 70% giá cơ sở đối với xăng và khoảng 80% giá cơ sở đối với dầu cho nên việc giá thế giới tăng cao có tác động rất mạnh tới giá trong nước.
Theo tính toán của chúng tôi thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.
Chúng ta có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước song chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi mà thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Mà nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đặc biệt nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại, chỉ số giá nhóm thịt lợn tháng 6/2022 tăng 0,87% so với tháng trước và kéo theo giá các hàng hóa chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo.
Thứ ba, kinh tế trong nước của chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước cũng sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là việc áp dụng Khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81.
Ngoài ra, từ 1/7/2022, việc tăng lương cũng sẽ có tác động làm tăng CPI. Tuy nhiên, đối với việc tăng lương là cần thiết ở thời điểm này, việc tăng lương sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp cơ cấu lại chi phí và là động lực để người lao động làm việc tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, qua đó cũng sẽ bù đắp lại chi phí tăng lương của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, mà chúng tôi cũng đánh giá việc đạt được 4% theo mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra trong năm nay là một thách thức rất lớn.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị "delay"
Trong bối cảnh giá hàng hóa, nhất là lương thực và thực phẩm, đe dọa đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, các tổ chức quốc tế đều đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), sau hơn 2 năm đại dịch với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022 - giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022.
Hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm do giá năng lượng tăng, điều kiện tài chính kém thuận lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Do đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống gần một nửa, từ 5,1% năm 2021 xuống còn 2,6% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được dự báo giảm khoảng một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 1/2022.
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 6/2022, OECD nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Các cú sốc kinh tế và tác động của chúng đối với thị trường hàng hóa, thương mại và tài chính toàn cầu ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân.
Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo chậm lại và chỉ đạt 3% trong năm 2022, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2021.
Còn theo báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tính tới giữa năm 2022 của Liên hợp quốc (UNDESA), nền kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 1/2022.
Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tháng 5/2022 cho thấy xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa tại Trung Quốc đang làm suy giảm thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.
Với riêng Việt Nam, theo báo cáo mới nhất từ Tổng Cục Thống kê, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42% - cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) hồi tháng 5/2022 từng khẳng định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 là 7%.
Lộ diện những nền kinh tế tốt nhất thế giới năm 2024: Duy nhất một đại diện châu Á lọt top
Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng nhanh trước thềm cuộc họp chính sách của Fed