Đấu giá thành công mảnh thiên thạch sao Hỏa lớn nhất từng được tìm thấy, thu về 138 tỷ đồng
Với trọng lượng gần 25kg và màu đỏ đặc trưng, mẫu vật quý hiếm này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới khoa học và sưu tầm toàn cầu.
Một thiên thạch được xác định là mảnh đá sao Hỏa lớn nhất từng được phát hiện trên Trái Đất vừa được bán cho một người mua ẩn danh với giá 5,3 triệu USD (khoảng 138,6 tỷ đồng) trong phiên đấu giá hôm 16/7 tại Sotheby’s New York.
Thiên thạch có tên mã NWA 16788 và nặng 24,5 kg - vượt trội về kích thước so với phần lớn các thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa vốn thường chỉ là những mảnh vỡ nhỏ, theo phía Sotheby’s.
Thiên thạch là phần còn sót lại của một sao chổi, tiểu hành tinh hoặc thiên thể nhỏ khi chúng xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất mà không bị thiêu rụi hoàn toàn.
Được phát hiện vào tháng 11/2023 tại vùng hẻo lánh Agadez của Niger, NWA 16788 được mô tả là một “mẫu vật mang tính biểu tượng”, lớn hơn khoảng 70% so với bất kỳ mảnh thiên thạch sao Hỏa nào từng được ghi nhận trước đó trên Trái Đất.

Sotheby’s cho biết đây là một mẫu vật cực kỳ hiếm khi chỉ khoảng 400 thiên thạch từ sao Hỏa từng được phát hiện cho đến nay.
Bà Cassandra Hatton, phó Chủ tịch mảng Khoa học và Lịch sử Tự nhiên tại Sotheby’s, cho biết: “NWA 16788 là một phát hiện có ý nghĩa đặc biệt. Nó là thiên thạch sao Hỏa lớn nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất, đồng thời cũng là mảnh đá có giá trị cao nhất từng xuất hiện tại đấu giá”.
“Trải qua hàng triệu năm ngoài không gian, với kích thước đồ sộ và màu đỏ đặc trưng, nó trở thành một phát hiện ‘có một không hai trong cả một thế hệ’. Mẫu vật đặc biệt này mang đến một kết nối hữu hình với hành tinh đỏ - người hàng xóm ngoài không gian từ lâu đã khơi dậy trí tưởng tượng của nhân loại”, bà nói thêm.
Phân tích cấu tạo bên trong cho thấy thiên thạch có thể đã bị văng khỏi bề mặt sao Hỏa sau một vụ va chạm mạnh với tiểu hành tinh, đủ sức biến một phần vật chất của nó thành thủy tinh.
Một lớp vỏ thủy tinh cũng bao phủ bề mặt thiên thạch, được hình thành trong quá trình lao qua bầu khí quyển Trái Đất.

Tuy nhiên, việc thiên thạch được bán đấu giá thay vì chuyển giao cho giới khoa học khiến một số nhà nghiên cứu lo ngại.
Giáo sư Steve Brusatte, chuyên ngành cổ sinh học và tiến hóa tại Đại học Edinburgh (Scotland), chia sẻ: “Sẽ thật đáng tiếc nếu mảnh đá này bị cất giữ vĩnh viễn trong hầm chứa của một nhà tài phiệt. Nó nên thuộc về bảo tàng – nơi có thể phục vụ nghiên cứu khoa học và để công chúng, trẻ em và các gia đình cùng chiêm ngưỡng”.
Tuy vậy, tiến sĩ Julia Cartwright, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Leicester (Anh), cho rằng cần có sự cân bằng.
“Nếu không có thị trường tìm kiếm, sưu tầm và mua bán thiên thạch, chúng ta sẽ không có được số lượng mẫu vật phong phú như hiện nay – mà chính điều đó thúc đẩy nghiên cứu khoa học”, bà nói, mô tả mối quan hệ “cộng sinh” giữa giới sưu tầm và các nhà khoa học.
Dù bà Cartwright hy vọng mảnh đá “vô cùng đặc biệt” này sẽ được nghiên cứu hoặc trưng bày trước công chúng, bà khẳng định rằng một mẫu tham chiếu đã được lưu giữ tại Đài thiên văn Sơn Tử ở Trung Quốc.
Chưa rõ chủ nhân mới sẽ làm gì với thiên thạch, nhưng bà Cartwright tin rằng “giá trị khoa học của nó vẫn còn nguyên vẹn, và người sở hữu có thể rất quan tâm đến việc khai thác giá trị đó. Chúng ta vẫn có thể thu được thêm nhiều kiến thức từ nó”.
Trước đó, vào tháng 2/2021, một thiên thạch sao Hỏa có chứa khí quyển của hành tinh này từng được đấu giá tại nhà Christie’s, và được bán với giá 200.000 USD – cao gấp nhiều lần mức định giá ban đầu từ 30.000 đến 50.000 USD.
Theo CNN
>> Lộ diện chủ nhân mới của chiếc túi xách đắt nhất thế giới, số tiền bỏ ra lên tới 260 tỷ đồng
Phát hiện ốp điện thoại chứa chất gây vô sinh tràn lan trên mạng, hàm lượng vượt 30 lần mức cho phép
Phát hiện mới tại 'mỏ kho báu 210 loại' lớn nhất thế giới của Trung Quốc