Những con đập khổng lồ đang dịch chuyển các cực của Trái Đất
Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard tiết lộ việc xây dựng ồ ạt các con đập kể từ năm 1835 đã tác động đáng kể lên cấu trúc địa chất Trái Đất.
Một nghiên cứu khoa học mới đây đã đưa ra phát hiện đáng báo động: việc xây dựng hàng nghìn con đập trên khắp thế giới kể từ năm 1835 đã gây ra hiện tượng dịch chuyển các cực của Trái Đất.
Theo các nhà khoa học, những con đập lớn này chứa một lượng nước khổng lồ đến mức đã làm thay đổi sự phân bổ khối lượng trên toàn cầu. Điều này dẫn đến sự biến đổi vị trí của lớp vỏ Trái Đất so với lớp phủ - lớp trung gian của hành tinh.
Về mặt cấu trúc, lớp phủ của Trái Đất có tính chất dẻo, trong khi lớp vỏ tạo thành một lớp cứng có thể trượt trên bề mặt lớp phủ. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng trọng lượng khổng lồ tác động lên lớp vỏ đã khiến nó dịch chuyển so với lớp phủ, từ đó gây ra sự thay đổi vị trí các cực của Trái Đất.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 23/5 trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm "chuyển động cực thực sự" - hiện tượng "bất kỳ chuyển động nào của khối lượng bên trong Trái Đất hoặc trên bề mặt của nó đều làm thay đổi hướng của trục quay so với lớp vỏ".
Trước đây, cộng đồng khoa học đã nhận thức được rằng các hoạt động của con người có thể gây ra hiện tượng trôi dạt cực thông qua việc dịch chuyển khối lượng nước lớn. Nghiên cứu công bố tháng 3 vừa qua cảnh báo sự tan chảy băng do biến đổi khí hậu có thể khiến hai cực dịch chuyển tới 27m vào cuối thế kỷ này. Một nghiên cứu năm 2023 cũng kết luận rằng việc khai thác nước ngầm từ 1993 đến 2010 đã gây ra hiện tượng trôi dạt cực 80cm.
Trong nghiên cứu mới này, nhóm khoa học đã kiểm tra tác động của 6.862 con đập được xây dựng trên khắp hành tinh đối với các cực của Trái Đất trong giai đoạn từ 1835 đến 2011. Dựa trên cơ sở dữ liệu về đập đã được công bố trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện lượng nước mà các con đập này chứa có thể gấp đầy lượng có thể lấp đầy Hẻm núi Grand Canyon (Mỹ). Lượng nước được các con đập này giữ đã khiến mực nước biển toàn cầu giảm 23mm.
Theo kết quả nghiên cứu, việc tích trữ nước phía sau các con đập đã khiến các cực của Trái Đất di chuyển tổng quãng đường 1,1m trong suốt thời gian nghiên cứu.
Bà Natasha Valencic, tác giả chính của nghiên cứu, công tác trong ngành địa chất, địa vật lý và khoa học hành tinh tại Đại học Harvard, giải thích: "Khi chúng ta giữ nước lại phía sau các con đập, nước không chỉ bị lấy đi khỏi đại dương, dẫn đến mực nước biển toàn cầu giảm mà còn phân bổ lại khối lượng theo một cách khác trên khắp thế giới".

Hai giai đoạn dịch chuyển cực rõ rệt
Dựa trên tính toán và mô hình máy tính, nghiên cứu cho thấy hai giai đoạn riêng biệt của sự dịch chuyển cực:
Giai đoạn 1 (1835-1954): Đây là khoảng thời gian nhiều đập quy mô lớn ở Bắc Mỹ và Châu Âu bắt đầu được xây . Điều này khiến Bắc Cực dịch chuyển thêm 20cm về phía đông kinh tuyến 103 (đi qua Nga, Mông Cổ và Trung Quốc).
Giai đoạn 2 (1954-2011): Các con đập thủy lợi cùng hệ thống hồ chứa nước được xây dựng tràn lan ở khu vực Đông Phi và Châu Á. Những con đập này đã bổ sung khối lượng vào hai phía đối diện của địa cầu với Bắc Mỹ và Châu Âu, dẫn đến sự dịch chuyển 57 cm về phía kinh tuyến 117 độ Tây, chạy qua phía tây Bắc Mỹ và Nam Thái Bình Dương.
Mặc dù vị trí của hai cực tương đối ít ảnh hưởng đến các quá trình của Trái Đất, nhưng tác động của các con đập lên mực nước biển lại rất đáng kể, theo nghiên cứu sinh Valencic. "Chúng ta sẽ không rơi vào một kỷ băng hà mới chỉ vì hai cực đã dịch chuyển tổng cộng khoảng 1m, nhưng điều này chắc chắn có tác động đến mực nước biển", bà khẳng định.
Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng các nhà khoa học nên đưa yếu tố đập vào dự báo mực nước biển dâng, bởi các con đập ngăn chặn một lượng nước khổng lồ không đổ ra đại dương.
Số liệu thống kê cho thấy mực nước biển toàn cầu đã dâng từ 12 đến 17cm trong thế kỷ 20. Đáng chú ý, khoảng một phần tư lượng nước này hiện đang bị giữ lại phía sau các con đập, điều này có nghĩa là tùy thuộc vào vị trí địa lý, các đập sẽ tác động khác nhau đến mực nước biển tại từng khu vực.
Phát hiện này nhấn mạnh tác động sâu rộng của hoạt động con người đối với hệ thống địa chất toàn cầu, mở ra những câu hỏi mới về hậu quả dài hạn của các công trình thủy lợi quy mô lớn.
Tham khảo Live Science
>> 15 triệu km2 biển bị hâm nóng, sông băng tan chảy: Châu Á đang ‘sôi lên’ từng ngày