Lộ diện chủ nhân mới của chiếc túi xách đắt nhất thế giới, số tiền bỏ ra lên tới 260 tỷ đồng
Đằng sau thương vụ gây sửng sốt này là CEO Shinsuke Sakimoto – người tin rằng di sản không nên bị cất giấu, mà cần được lan tỏa như một tuyên ngôn về tự do, cá tính và tinh thần sáng tạo vượt khỏi khuôn khổ thời trang.
Chiếc túi Birkin nguyên bản từng gắn liền với biểu tượng thời trang Jane Birkin vừa thiết lập kỷ lục thế giới khi được bán với giá 8,6 triệu euro (khoảng 260 tỷ đồng) tại phiên đấu giá ở Paris (Pháp). Người đứng sau thương vụ gây chấn động này là Shinsuke Sakimoto – CEO Valuence Japan, doanh nghiệp chuyên về hàng hiệu second-hand.
“Jane Birkin là hiện thân của sự tự do, tính sáng tạo và nét duy mỹ không ràng buộc – những giá trị cốt lõi trong triết lý của Valuence. Chúng tôi hy vọng chiếc túi sẽ trở thành biểu tượng của sự tự tin, đa dạng và trao quyền cho cộng đồng”, ông Sakimoto chia sẻ.
Valuence Japan – doanh nghiệp đặt trụ sở tại Tokyo – chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu mua, đấu giá và tái phân phối các sản phẩm thời trang xa xỉ.
Những cái tên như Allu và Nanboya – hệ thống thu mua hàng hiệu cũ từ túi xách, đồng hồ đến trang sức thuộc Valuence – đã trở thành thương hiệu quen thuộc tại Nhật Bản.

Ngoài kinh doanh thương mại, Valuence còn tổ chức triển lãm và đấu giá, hướng đến những nhà sưu tầm và người tiêu dùng đam mê thị trường đồ hiệu đã qua sử dụng.
Về thương vụ Birkin, đại diện công ty nhấn mạnh đây là khoản đầu tư mang tính văn hóa hơn là kinh doanh đơn thuần. Họ cho biết: “Chúng tôi coi chiếc túi này là di sản biểu tượng của ngành thời trang, và muốn biến nó thành tài sản có giá trị cho xã hội để nhiều người có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng”.
Thương vụ phá vỡ kỷ lục thế giới
Chiếc túi Birkin nguyên bản được đem ra bán tại phiên đấu giá “Fashion Icons” của Sotheby’s tổ chức ở Paris ngày 10/7. Mức giá khởi điểm là 1 triệu euro, nhưng sau 10 phút căng thẳng giữa 9 nhà sưu tầm toàn cầu, Valuence Japan – đại diện bởi Maiko Ichikawa, Trưởng Sotheby’s Japan – đã giành chiến thắng với con số 8,58 triệu euro (khoảng 260 tỷ đồng). Số tiền này đã biến nó trở thành chiếc túi xách đắt nhất từng được bán đấu giá.
Morgane Halimi – Giám đốc toàn cầu mảng túi xách và thời trang tại Sotheby’s – tuyên bố: “Đây là một cột mốc quan trọng của ngành thời trang và xa xỉ. Chiếc Birkin nguyên bản đã chứng minh sức mạnh của một huyền thoại có thể thổi bùng niềm đam mê và khao khát chinh phục di sản của các nhà sưu tập”.
Birkin: Món đồ mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ
Chiếc Birkin phiên bản nguyên mẫu này từng gắn bó nhiều năm với chính Jane Birkin – nữ nghệ sĩ người Pháp lai Anh đã truyền cảm hứng cho chiếc túi huyền thoại ra đời. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1981, khi Jane Birkin vô tình làm đổ giỏ mây cạnh CEO Hermès Jean-Louis Dumas trên chuyến bay. Từ tình huống đó, ý tưởng về một chiếc túi vừa tiện dụng vừa sang trọng đã ra đời – trở thành biểu tượng thời trang mang tên cô.

Mẫu Birkin vừa được đấu giá là hiện thân của khoảnh khắc ấy: được làm từ da Black Box với khóa đồng mạ vàng, kiểu dáng độc nhất kết hợp giữa Birkin 35 và 40. Quai túi vẫn còn nguyên kẹp móng tay và ký hiệu “J.B.” – dấu ấn cá nhân của Jane Birkin.
Bà từng mang theo chiếc túi khắp nơi, trang trí nó bằng khăn lụa, dây chuyền, bùa hộ mệnh – biến một món đồ da thành biểu tượng sống động của sự tự do, phá cách và cái tôi không thể nhầm lẫn.
Sau khi được bán đấu giá vì mục đích từ thiện hai lần (1994 và 2000), chiếc túi gần như “biến mất” khỏi công chúng suốt 25 năm. Mãi đến năm ngoái, nó mới tái xuất trong các triển lãm tại Sotheby’s Paris, Hồng Kông và New York, thu hút hàng ngàn người tới chiêm ngưỡng.
Đối với Sakimoto và Valuence, chiếc Birkin không đơn giản là một món hàng triệu đô. Nó là biểu tượng cho tinh thần nữ quyền, sự sáng tạo không giới hạn và lòng dũng cảm trong việc phá bỏ khuôn mẫu mà Jane Birkin để lại cho ngành thời trang.
Và giờ đây, thay vì nằm trong kho lưu trữ của một nhà sưu tầm kín tiếng, chiếc túi ấy sẽ tiếp tục truyền cảm hứng như cách mà nó từng làm suốt hàng thập kỷ qua.
Tổng hợp
>> Chật vật với GenZ sống ảo, ngành hàng xa xỉ mất 50 triệu khách hàng chỉ trong 1 năm